Bưởi Luận Văn là giống bản địa, nên để đảm bảo chất lượng đặc thù của bưởi Luận Văn, ngoài các yếu tố về sinh thái, thì cần tuân thủ các khâu kỹ thuật như chọn giống, làm đất, chăm sóc cây bưởi…

Vùng trồng bưởi Luận Văn nằm trong lưu vực của sông Chu - Bắt nguồn từ vùng núi Houa (cao 2.062 m) ở phía Tây Bắc Sầm Nưa (Lào), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào bờ phải sông Mã, qua Việt Nam dài hơn 160 km gồm các huyện Quế Phong (Nghệ An), Thường Xuân và Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Sông Chu có lưu vực 7.580 km², phần ở Việt Nam 3.010 km². Độ cao cao trung bình 790 m, độ dốc trung bình 18,3% với mật độ sông suối 0,98 km/km². Tổng lượng nước 4,72 km³ ứng với lưu lượng trung bình năm 148 m³/s và môđun dòng chảy năm 18,2 l/s.km².

1
Bưởi Luận Văn. Ảnh: Nongnghiep.

Tại Bái Thượng (xã Xuân Bái), lòng sông hẹp và nhiều thác ghềnh, đá ngầm, đá nổi. Từ năm 1921-1929, người Pháp xây dựng đập dâng nước Bái Thượng (dài 160 m, cao 23,5 m), tưới cho hơn 50.000 ha đất hai vụ của Thường Xuân và Thọ Xuân. Năm 2006, dòng sông Chu đã được chặn lại tích nước cho hồ chứa thủy điện Cửa Đạt. Điều này đã có tác động đến chế độ nước ngầm của vùng sản xuất bưởi.

Trong quá trình sản xuất, người dân luôn có những kỹ năng để thích ứng với thị trường. Cụ thể như, bưởi Luận Văn rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là vào các dịp ngày rằm, mùng một và đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán do bưởi có màu đỏ và tỏa ra một mùi thơm rất đặc trưng.

Mặc dù bưởi chín từ khoảng tháng 9 – 10 âm lịch nhưng với kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, người dân có thể neo trái trên cây đến dịp Tết Nguyên Đán để cung cấp cho thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm.