Hệ thống sông ngòi và rừng ngập mặn dày đặc chính là điều kiện thuận lợi để con ngán sinh sống.
Tỉnh Quảng Ninh có mạng sông suối khá dày đặc với mật độ trung bình 1,0-1,9km/km2, có nơi đến 2,4km/km2. Hệ thống sông của Quảng Ninh mang những đặc điểm cơ bản như sau:
Hầu hết các sông suối ở đây thường ngắn và dốc, tốc độ dòng chảy lớn, khả năng bào mòn và xâm thực mạnh, ngoại trừ sông Đá Bạc (đoạn Hạ Lưu của sông Thái Bình). Nhìn chung các sông trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bắt nguồn từ vùng núi cao, hướng chủ đạo là Đông Bắc - Tây Nam và Bắc - Nam.
Lưu lượng các sông thay đổi lớn theo mùa, phần hạ lưu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thủy triều và nhiễm mặn. Mùa đông, các sông cạn nước, có chỗ trơ ghềnh đá nhưng mùa hạ lại có lưu lượng rất dồi dào, nước dâng cao rất nhanh. Lưu lượng mùa khô có thể xuống thấp tới 1,45 m3/s; mùa mưa lại có thể lên tới 1.500m3/s; chênh nhau khoảng 1.000 lần. Theo thống kê toàn tỉnh có đến 30 sông, suối có chiều dài trên 10km, diện tích lưu vực thông thường không quá 300 km2.
Trên địa bàn tỉnh có 4 con sông lớn là sông Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình); sông Ka Long; sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Mỗi sông hoặc đoạn sông thường có nhiều nhánh, các nhánh phần nhiều vuông góc với sông chính. Đại bộ phận sông có dạng xòe hình cánh quạt, trừ sông Ba Chẽ, sông Tiên Yên có dạng lông chim. Nước ngập mặn xâm nhập vào vùng cửa sông khá xa. Lớp thực vật che phủ chiếm tỷ lệ thấp ở các lưu vực nên thường hay bị xói lở, bào mòn và rửa trôi làm tăng lượng phù sa và đất đá trôi xuống khi có lũ lớn do vậy nhiều nơi sông suối bị bồi lấp rất nhanh.
Các hệ thống sông chính của tỉnh Quảng Ninh đã hình thành các vùng rừng ngập mặn trên các lưu vực cửa sông, tùy thuộc vào đặc điểm khác nhau mà con ngán sẽ phân bố ở những khu vực nhất định:
Khu vực rừng ngập mặn cửa sông Đá Bạc và Bình Hương - Kinh Trai
Lưu vực sông Đá Bạc và vùng phân bố con Ngán. Nguồn: Concetti - 2013.
Sông Đá Bạc (sông Bạch Đằng) nằm trong hệ thống sông Thái Bình, là đoạn hạ lưu của sông Kinh Thầy. Phía cuối sông Đá Bạc chia thành sông Bạch Đằng, sông Chanh và sông Rút trước khi đổ ra biển. Sông Đá Bạc đoạn chảy qua địa phận tỉnh Quảng Ninh từ Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên có chiều dài khoảng 60 km.
Các phụ lưu của sông Đá Bạc nằm trên địa bàn của tỉnh đều bắt nguồn từ Nam dãy Yên Tử ở độ cao 500 - 700 m. Diện tích lưu vực các phụ lưu này thường nhỏ khi có lũ thì thường lên nhanh và rút chậm do cửa thoát nước nhỏ.
Cùng với sông Đá Bạc, hệ thống sông Bình Hương và sông Kinh Trai (hệ thống sông ngắn và dốc) đã hình thành lên khu vực rừng ngập mặn có con ngán phân bố, tuy nhiên sự phân bố của con ngán ở khu vực này có sự khác biệt rất rõ ràng:
Khu vực phân bố của con ngán thuộc 3 xã là Hoàng Tân, Hà An và Liên Hòa, được hình thành trên lưu vực của 2 con sông: sông Chanh thuộc hệ thống sông Đá Bạc (xã Hà An và Liên Hòa) và sông Bình Hương - Kinh Trai (xã Hoàng Tân và Hà An). Trên những khu vực rừng ngập mặn tại các lưu vực sông này, con ngán tập trung ở xã Hoàng Tân, các khu vực của xã Hà An và Liên Hòa có con ngán phân bố nhưng ít hơn;
Sự phân bố của con ngán phụ thuộc vào 2 yếu tố: 1) có sự phân bố của rừng ngập mặn, có nghĩa là rừng ngập mặn là điều kiện để cho con ngán với phân bố; 2) độ mặn của nước biển, ngán chỉ phân bố ở độ mặn nhất định, không mặn và cũng không quá nhạt. Do đó, khu vực con ngán phân bố chủ yếu là cửa sông Bình Hương - Kinh Trai, các khu vực tại xã Hà An và Liên Hòa (sông Chanh) thì con ngán ít phân bố hơn, số lượng ít. Đặc biệt là ở khu vực rừng ngập mặt thuộc lưu vực cửa sông Đá Bạc (sông chính) như xã Tiền Phong, Liên Vị, Phong Cốc… do lưu lượng nước đổ ra biển lớn làm độ mặn của nước thấp nên không có ngán phân bố.
Khu vực rừng ngập mặn cửa sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ
Lưu vực sông Ba Chẽ, Tiên Yên và vùng phân bố con Ngán. Nguồn: Concetti - 2013.
Sông Tiên Yên bắt nguồn từ vùng núi Nam Châu Lãnh ở độ cao 1.506m, khu thượng nguồn chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ Co Linh tới cửa sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đổ ra vùng Tiên Yên tại cửa Mô, chiều dài 82 km, diện tích lưu vực 1.070 km2. Tổng số lưu vực các cấp có độ dài từ 10 km trở lên có 14 sông suối, trong đó co 12 sông suối có diện tích lưu vực 100 km2. Lưu vực sông Tiên Yên có dạng hình tam giác, thủy lưu rộng, hạ lưu thu hẹp lại nên độ dốc lưu vực lớn, lũ thường xẩy ra nhanh và do ảnh hưởng của thủy triều như vùng thị trấn Tiên Yên đến khu Mũi Chùa thường xẩy ra lũ lớn.
Trong khi đó, sông Ba Chẽ là một sông lớn của tỉnh Quảng Ninh, sông Bắt nguồn từ vùng núi Am Váp trên đất Hoành Bồ (khu vực thuộc dãy núi Đông Triều), diện tích lưu vực 978 km2 với chiều dài sông chính 78,5 km, chạy quanh co, uốn khúc và đổ ra vịnh Bắc Bộ. Sông Ba Chẽ có 11 nhánh cấp 1, phân hóa khá đều, lòng sông hẹp, nhiều thác ghềnh, độ dốc lưu vực nhỏ, thượng nguồn ít mưa nên tác hại của lũ phía thượng lưu không lớn. Từ thị trấn Ba Chẽ ra biển lòng sông rộng dần, cửa sông Ba Chẽ gặp cửa sông Tiên Yên ở phía Bắc, cửa sông Voi Lớn ở phía Nam.
Với những đặc thù của hai hệ thống sông Ba Chẽ và sông Tiên Yên, đã hình thành một khu vực bãi triều - rừng ngập mặn có phạm vi rộng ở các huyện Vân Đồn và Tiên Yên, hình thành lên 2 khu vực có con ngán phân bố bao gồm: 1) xã Đồng Rui, Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Hải Lạng (thuộc huyện Tiên Yên) và xã Đài Xuyên, Vạn Yên (thuộc huyện Vân Đồn).
Khu vực cửa các sông nhỏ thuộc huyện Đầm Hà và Hải Hà
Lưu vực các sông nhỏ và vùng phân bố con Ngán. Nguồn: Concetti - 2013.
Quảng Ninh có 11 sông nhỏ chiều dài các sông từ 13 - 15 km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300 km2, chúng phân bố theo dọc bờ biển, trên khu vực hai huyện Hải Hà và Đầm Hà có các sông: sông Đườn g Hoa, sông Đầm Hà, sông Khe Hào, sông Hà Thanh, sông Khe Mằn.
Các sông này đều bắt nguồn từ phía sườn đón gió biển và cánh cung Đông Triều - Móng Cái ở độ cao 500m đổ ra vịnh Bắc Bộ theo hướng vuông góc với bờ biển. Phía thượng lưu có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, trắc diện hẹp không có trung lưu độ dài sông ngắn, nơi cửa sông thường mở rộng dưới dạng vịnh cửa sông.
Hầu hết các sông đều nằm trong vùng hạ lưu của vùng có lượng mưa lớn nên hay hình thành lũ thất thường, lũ lên nhanh và xuống cũng nhanh. Thủy triều và độ mặn xâm thực vào cửa sông ngắn, thường bị chặn ở các chân đập hoặc hạ lưu các công trình vượt ngầm qua sông.
Những đặc điểm ấy đã hình thành lên những khu vực bãi triều - rừng ngập mặn có độ mùn cao, bùn sét ít cát, giầu dinh dưỡng, phù hợp để con ngán phát triển. Cho đến nay, con ngán hiện phân bố ở 2 khu vực: 1) xã Đầm Hà, Đại Bình, Tân Bình, Tân Lập (thuộc huyện Đầm Hà); 2) xã Tiến Tới, Cái Chiên, Quảng Phong (thuộc huyện Hải Hà).