Chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam, 18/5, vừa qua, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm một số mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở KH&CN và đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong đoàn đã đến thăm hai mô hình sản xuất tại Thành phố Thái Bình, đó là: Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Dân Thu, phường Tiền Phong và mô hình sản xuất một số loại rau theo chuỗi giá trị liên kết của Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân tại xã Vũ Lạc.


Mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Dân Thu có diện tích nuôi trồng khoảng 45m2, hiện công ty đang nuôi cấy 5.000 phôi trong phòng lạnh theo đúng các quy trình công nghệ. Nhờ áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nên việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty rất thuận lợi, cứ 2 tháng thu hoạch một lứa, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỉ đồng. Công ty đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng diện tích nuôi trồng và sẵn sàng chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của người dân trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất một số loại rau theo chuỗi giá trị liên kết của Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân được thực hiện trên diện tích 2800m2 tại xã Vũ Lạc, TP Thái Bình. Từ tháng 2/2019 Công ty đã thực hiện trồng các giống ớt cay do Viện Nghiên cứu Rau quả cung cấp. Số ớt này hiện sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch sau 80 ngày trồng. Mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn ớt quả, với giá thành từ 50.000 đồng - 65.000 đồng/kg. Mỗi vụ ớt thường kéo dài từ 5 - 6 tháng. Cùng với việc nhân rộng mô hình trồng ớt cay, trong thời gian tới công ty tiếp tục tiến hành thực hiện mô hình trồng cà chua ghép và một số loại rau an toàn khác.

Tại các địa điểm đến thăm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất của hai doanh nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: các doanh nghiệp cần tiếp tục đưa các kết quả nghiên cứu thành công vào sản xuất, nhân rộng, chuyển giao các mô hình để các sản phẩm này thực sự trở thành hàng hóa, phục vụ đời sống nhân dân. Ngoài việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định sản xuất. Đồng chí đề nghị, Sở KH&CN, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cùng các ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để các doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững và quy mô hơn.