Từ lâu các hãng sản xuất ô tô đã nói đến ô tô bay để vượt qua mọi sự ùn tắc, kẹt xe. Tuy nhiên cho đến nay ước mơ này vẫn chưa thành hiện thực, mặc dù đã có nhiều công nghệ đáp ứng về cơ bản yêu cầu này. Điều còn thiếu là những vấn đề hoàn toàn khác, không chỉ là công nghệ.

Model Aska dự kiến sẽ bán ra từ năm 2026, với giá 789.000 USD. Chắc chắn đây không phải là loại xe đại chúng.

Khoang lái của Cartivator khá tối giản. Hầu như không có thêm bất kỳ nút hoặc công tắc nào, và cũng không có thanh điều khiển. Bạn ngồi vào ghế chỉ thấy một màn hình lớn trước mặt. Dữ liệu chuyến bay hiển thị trên màn hình như tốc độ, đường bay, độ cao và tốc độ của bốn cánh quạt nhỏ chạy bằng điện.

Cartivator có càng trượt trông giống như một chiếc máy bay không người lái quá khổ. Có chỗ cho hai người, một ngồi đàng trước, một ở phía sau. Nói chung hơi chật chội, nhưng không có gì thừa. Keisuke Yasukochi của hãng sản xuất Skydrive của Nhật Bản cho biết, đây là ô tô bay tương lai.

Yasukochi nói “xe của chúng tôi sẽ giúp giải quyết nạn ùn tắc ở các đô thị”. Ông cho biết, Cartivator sẽ xuất xưởng năm 2025, ban đầu sẽ được sử dụng ở Nhật để làm taxi bay, sau đó sẽ tới các nước khác. Xe hoạt động tự động. Tuần này mọi người có thể tham quan mẫu Cartivator tại Hội chợ xe ô tô CES Las Vegas, hội chợ công nghệ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên con đường từ đây đến lúc đó còn dài. Bởi, tại các hội chợ lớn trên thế giới các mẫu ô tô bay đã được giới thiệu từ lâu. Tuy nhiên xe bay vẫn còn là mơ ước xa vời của con người.

Maca, một doanh nghiệp của Pháp giới thiệu tại CES trong năm nay mẫu xe S Eleven, một dạng xe công thức 1 để bay. Startup Aska của Mỹ trình diễn một thiết bị bay có 4 chỗ ngồi, có ngoại hình như một quả trứng khổng lồ, trong suốt bằng thủy tinh. Không vật trưng bày nào tại đây đã từng bay. Cartivator năm ngoái đã nâng mình tại một vùng núi ở Nhật bản lên độ cao 3 mét và ở trạng thái đó được 5 phút.

Startups Lilium và Volocopter của Đức thì có phần tiến xa hơn, đã bay được một đoạn dài trong các cuộc thử nghiệm. Hiện tại trên thế giới có khoảng 100 doanh nghiệp đang thử nghiệm ô tô bay trong đó có các ông lớn như Airbus, Boeing, Hyundai và Honda. Các nhà phân tích coi đây là một thị trường lớn, theo Ngân hàng Hoa Kỳ Morgan Stanley, đến năm 2030 doanh thu sẽ lên tới 320 tỷ đôla.

Nhưng "Mọi sự tiến triển chậm hơn mong muốn", Yasukochi phụ trách phát triển kinh doanh của Skydrive nhận xét. Vậy thực chất vấn đề nằm ở đâu? Tại sao cho đến nay trên thị trường vẫn chưa có bán ô tô bay?

Một lý do, theo Yasukochi là vấn đề quản lý nhà nước - "Loại phương tiện này của chúng tôi là loại nửa ô tô, nửa thiết bị bay, không nằm trong sự quản lý của cơ quan nào". Trên thế giới cũng chưa nơi nào có quy định về cấp phép lưu hành cho loại phương tiện này, trừ trường hợp hãn hữu là cho phép bay thử.

Mô hình S Eleven do hãng Maca của Pháp phát triển.

Nhưng không dừng lại ở vấn đề quản lý, Yasukochi cho biết thách thức lớn hơn nằm ở hạ tầng cơ sở. Các thành phố phải có một mạng lưới dày đặc các bãi cất cánh và hạ cánh, chỉ có như thế ước mơ này mới có thể trở thành hiện thực. "Điều này đòi hỏi một khoản đầu tư công khổng lồ và có quyết tâm chính trị rất cao", theo Yasukochi.

Theo chuyên gia người Nhật thì phải mất ít nhất 15 năm nữa taxi bay mới chính thức hoạt động rộng rãi. Và phải mất chừng 30 năm nữa thì mới có ô tô bay đỗ ở trước cửa các hộ gia đình.

Thierry de Boisvilliers thì có phần lạc quan hơn, ông này cho rằng phải mất 5 năm nữa thì sẽ có taxi bay hoạt động đón trả khách ở các đô thị. Ông là nhà sáng lập hãng Maca. Thiết bị bay của hãng này có tốc độ 250 km/giờ.

Công nghệ đã có, thiếu hạ tầng cơ sở công cộng

Theo Boisvilliers, ô tô bay dành cho mọi người khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Ông nói: “Chúng ta còn một chặng đường dài đến khi đó. Công nghệ phần lớn đã có sẵn, cái không có là cơ sở hạ tầng công cộng. Tình trạng pháp lý cũng hoàn toàn không rõ ràng. Nó bắt đầu với những câu hỏi rất đơn giản. Ví dụ, bằng lái xe là gì, bằng lái ô tô hay giấy phép lái máy bay?”

Guy Kaplinsky lại nghĩ khác. Tại CES, ông giới thiệu một mô hình kích thước đầy đủ của Aska - quả trứng thủy tinh. Aska đơn giản hơn so với xe của Nhật Bản. Bất cứ ai ngồi trong buồng lái cũng sẽ tìm thấy cả hai: cần điều khiển để bay và vô lăng để chạy xe trên đường. Theo Kaplinsky “Những loại xe như thế này không còn là chuyện viển vông xa với mà không lâu nữa chúng sẽ xuất hiện trên đường phố của chúng ta". Loại xe Aska dự định đến 2026 sẽ có bán trên thị trường. Chắc chắn Cơ quan quản lý hàng không Hoa Kỳ FAA sẽ không ngày một ngày hai cấp phép lưu hành đơn giản cho thiết bị bay này. Chủ nhân của Aska chỉ có thể cất cánh từ một sân bay. Cũng có thể xin cấp phép làm bãi hạ cánh trực thăng tại vườn nhà mình. Vả lại Aska không hề rẻ, dự kiến giá lên đến 789.000 đôla. Nguyên điều này đã cho thấy ô tô bay chưa phải là xe đại chúng.