Ngày 1/10, Trung tâm Tri thức số - Digital Knowledge Hub đã làm lễ ra mắt trực tuyến. Đây là lần đầu tiên có một hệ thống giúp các thư viện số của các trường đại học ở Việt Nam kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Website của Trung tâm Tri thức số
Website của Trung tâm Tri thức số.

Trung tâm là kết quả sau bốn năm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tìm kiếm và tích hợp dữ liệu cũng như là sự hợp tác của Trung tâm Thông tin-Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC), Liên chi hội các Thư viện Đại học khu vực phía Bắc (NALA) và Công ty Cổ phần Tư vấn & Tích hợp Công nghệ D&L.

Bước đầu, trung tâm có 6 đơn vị thành viên, gồm: Trung tâm Thông tin-Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội(VNU-LIC), Thư viện Trung tâm ĐH Quốc gia TP.HCM, Thư viện Tạ Quang Bửu của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Thư viện trường Đại học Thủy Lợi, Thư viện trường Đại học Lâm Nghiệp và Trung tâm Thông tin Thư viện trường Đại học Phenikaa.

Các thư viện số này được kết nối với nhau thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu dựa trên giao thức OAI/PMH - một tiêu chuẩn kết nối quốc tế và phần mềm tìm kiếm tập trung mã nguồn mở Vufind do công ty D&L hỗ trợ.

Nhờ đó, thay vì phải truy cập vào từng website khác nhau, giờ đây chỉ cần một lệnh tìm kiếm, người dùng có thể truy xuất dữ liệu của toàn bộ các thư viện tham gia vào hệ thống. Với Trung tâm Tri thức số, người sử dụng có thể dễ dàng có được bức tranh toàn cảnh về chủ đề và lĩnh vực theo nhu cầu, đồng thời tìm kiếm nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học… tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia.

"Những lợi ích mà hệ thống này mang lại sẽ vô cùng lớn. Nó không chỉ giúp cho việc khai thác tri thức thuận tiện hơn, đảm bảo cho việc tự học, tự nghiên cứu cho người dùng; mà còn giúp quảng bá kết quả đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học; hạn chế đạo văn, tăng cường đạo đức khoa học cũng như hỗ trợ cho công tác xếp hạng đại học, thư viện", TS. Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐH Quốc gia HN, nhận xét.

Nhiều lãnh đạo của các thư viện cũng kỳ vọng, Trung tâm Tri thức số sẽ giải quyết bài toán kết nối và tích hợp dữ liệu của các thư viện số vốn đang được phát triển độc lập và trên nhiều nền tảng quản trị dữ liệu khác nhau trong hơn 20 năm qua ở Việt Nam.

Theo ThS. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, từ trước đến nay Việt Nam chưa có một hệ thống chung nào kết nối các thư viện số như vậy. Do đó, ông đánh giá, sự ra đời của trung tâm này là một bước tiến lớn và là cột mốc quan trọng trong ngành thư viện của Việt Nam.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia HN cũng nhận xét, hiện nay nhu cầu người dùng đã thay đổi, đòi hỏi phải có thông tin nhanh hơn, hàm lượng tri thức cao hơn, mang tính tổng hợp hơn, đa dạng hơn về loại hình và có khả năng khai thác mọi lúc mọi nơi. Đây là những thách thức mới mà các thư viện đại học và các thư viện truyền thống trước đây chưa bao giờ phải đối mặt.

“Dù có nguồn lực tài chính đến đâu cũng không có bất cứ thư viện nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của người đọc. Do vậy việc hợp tác xây dựng các thư viện số dùng chung là một giải pháp rất đúng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Thực tế, mô hình này cũng đã được áp dụng rất nhiều ở Liên minh Châu Âu và các quốc gia trên thế giới”, ông cho biết.

Trong tương lai gần, Trung tâm Tri thức số sẽ mở rộng mạng lưới và không chỉ liên kết các thư viện số đại học khác trên cả nước mà còn cả thư viện số quốc gia, thư viện số công cộng và thư viện số chuyên ngành trong nước và toàn cầu.

Để tìm kiếm các tài liệu trong Trung tâm Tri thức số, truy cập vào website: http://digitalknowledgehub.nala.edu.vn/ hoặc http://digitalknowledgehub.vnu.edu.vn/