Trẻ em sinh ra trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đối mặt với các nguy cơ liên quan đến thảm họa khí hậu cao gấp sáu lần so với thế hệ ông bà của các em.
Trẻ em ở Việt Nam, Philippines và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á, Thái Bình Dương khác đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng do thiên tai do biến đổi khí hậu. Báo cáo mới của UNICEF với tiêu đề “
Vượt qua điểm bùng phát” (Over the Tipping Point) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đầu tư vào các dịch vụ và chính sách xã hội thông minh thích ứng với khí hậu để bảo vệ trẻ em.
Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà cả người lớn, nhưng Silvia Gaya, cố vấn khu vực về nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF,
cho biết trẻ em bị ảnh hưởng nhiều hơn vì chúng "có ít năng lực và nguồn lực hơn để ứng phó với tần suất ngày càng tăng của các cú sốc và căng thẳng". Ví dụ, sóng nhiệt ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn người lớn vì chúng ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bà lưu ý.
Theo báo cáo, trẻ em ở các khu vực này đối mặt với các nguy cơ liên quan đến thảm họa khí hậu cao gấp sáu lần so với thế hệ ông bà của các em. Trong 50 năm qua, số trận lũ lụt tăng gấp 11 lần, bão tăng gấp 4 lần, hạn hán tăng gấp 2,4 lần và sạt lở đất tăng gấp 5 lần. Nhiều trẻ em và gia đình phải di chuyển chỗ ở và phải đấu tranh để tồn tại, bị hạn chế hoặc không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nước sạch và vệ sinh.
Cụ thể, theo phân tích mới nhất, dựa trên Chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em (CCRI), khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có hơn 210 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu nước; 120 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển; và 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.
Hơn nữa, trẻ em trong khu vực còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại cú sốc khí hậu (hay sự kiện thời tiết không thể đoán trước, gây tổn hại đến sự bền vững của một cộng đồng) và môi trường, bị căng thẳng hoặc nguy hiểm.
Ở Việt Nam, 99,5% trẻ em (26,2 triệu em) phải đối mặt với 3 loại cú sốc khí hậu trở lên, so với 89% trong khu vực và 73% trên toàn cầu. Ngoài ra, 94,6% trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi 4 loại cú sốc về khí hậu trở lên, con số này là 65% đối với trẻ em trong khu vực và 37% với trẻ em trên toàn cầu.
Báo cáo lưu ý rằng lũ lụt năm 2020 ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến khoảng 160.000 trẻ em, thảm họa đã dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua nước cho trẻ em do các công trình nước và vệ sinh bị phá hủy.
Khi những cú sốc chồng chéo này được kết hợp với các loại khủng hoảng khác như thiếu lương thực, suy dinh dưỡng và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm (mà COVID-19 là ví dụ điển hình), thì việc đối phó và phục hồi trở nên đặc biệt khó khăn đối với trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em nghèo, bị thiệt thòi và trẻ khuyết tật. Cuối cùng, những tác động này còn làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng mà trẻ em đã phải hứng chịu, làm những người nghèo nhất thêm nghèo.
UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần hành động khẩn cấp, đầu tư vào xây dựng các dịch vụ xã hội thông minh thích ứng với khí hậu bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cung cấp nước sạch và vệ sinh, hệ thống cảnh báo sớm và bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu như hỗ trợ tiền mặt.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết UNICEF đang thúc đẩy cảnh báo sớm và hành động sớm - đưa thông tin đến các cộng đồng để giúp mọi người chuẩn bị và đảm bảo ứng phó thích hợp với các thách thức liên quan đến khí hậu.
“Ví dụ, vào cuối năm nay/đầu năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiện tượng 'El Nino, rất có thể dẫn đến hạn hán. Cảnh báo cho các gia đình, khuyến khích họ thu trữ nước mưa, cung cấp cho họ các biện pháp thay thế cho nguồn nước sạch sẽ là điều cần thiết”, bà khẳng định.
UNICEF cho biết sẽ hỗ trợ hành động sớm để đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất không phải trả tới 10 lần phí nước sạch thông thường để có nước sạch cho sinh hoạt.