Đánh giá về chất lượng các hồ sơ được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 tại phiên họp xét chọn giải thưởng diễn ra vào sáng ngày 14/4/2019, giáo sư Ngô Việt Trung – Chủ tịch Hội đồng xét chọn giải thưởng, cho biết, năm nay có lẽ sẽ là một năm khó khăn cho việc bỏ phiếu lựa chọn bởi các ứng viên đều có công trình có chất lượng cao.

Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày KH&CN Việt Nam. Ảnh: Thanh Nhàn
Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày KH&CN Việt Nam. Ảnh: Thanh Nhàn

Phiên họp xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 diễn ra với sự góp mặt của các thành viên hội đồng giải thưởng: giáo sư Pierre Darriulat, giáo sư Nguyễn Đức Chiến, giáo sư Đàm Thanh Sơn (vật lý), giáo sư Ngô Việt Trung (toán học), giáo sư Hồ Tú Bảo (khoa học máy tính), giáo sư Phan Văn Tân (khoa học trái đất), giáo sư Lê Thanh Hòa (sinh học nông nghiệp), phó giáo sư Nguyễn Lĩnh Toàn (y sinh dược học) và phó giáo sư Nguyễn Quốc Hưng (cơ học).

Ở lần xét chọn thứ 6, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học Việt Nam. Điều đó thể hiện qua số lượng hồ sơ gửi đến và số lượng các hồ sơ do các tổ chức đề cử: 45 hồ sơ đăng ký, trong đó có 11 hồ sơ do các tổ chức đề cử và 34 hồ sơ tự ứng cử. Thông qua đề cử của 8 hội đồng chuyên ngành Quỹ NAFOSTED, đã chọn được 8 hồ sơ vào chung kết thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Khoa học Trái đất và Môi trường, Cơ học, Khoa học Sự sống – Y sinh Dược học. Theo báo cáo của TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ NAFOSTED – cơ quan thường trực giải thưởng, đến trước thời điểm xét chọn quan trọng này, 7/8 hồ sơ đã có hai phản biện quốc tế trở lên, 1 hồ sơ còn lại có một phản biện quốc tế.

Nhìn nhận lại quá trình sáu năm tổ chức xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá về chất lượng các công trình đoạt giải cũng như các công trình được đề cử, “tôi có tham khảo ý kiến của một số bạn bè làm khoa học ở nước ngoài thì thấy qua thời gian, ở mỗi lần tổ chức, chất lượng công trình đều đi lên. Điều đó là thông tin rất tốt. Hiện giờ Việt Nam có nhiều giải thưởng nhưng giải Tạ Quang Bửu của chúng ta vẫn có một vị trí nhất định trong cộng đồng khoa học trong nước cũng như cộng đồng khoa học người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài”. Nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng của giải thưởng, ông bày tỏ mong muốn, “giải thưởng của chúng ta tiếp tục phát triển theo hằng năm và có uy tín hay không phụ thuộc rất lớn vào những người tham gia, phụ thuộc vào sự nghiêm cẩn trong quá trình đánh giá, các thành viên hội đồng”.

Việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất trên cơ sở xem xét, xét chọn nghiêm cẩn là điều tối quan trọng với Hội đồng. Giáo sư Ngô Việt Trung cho biết, từng thành viên hội đồng là đại diện của các ngành sẽ giới thiệu ứng viên của ngành mình để hội đồng tham gia thảo luận, từ đó toàn bộ hội đồng sẽ so sánh và đánh giá giữa các ứng viên. Trên cơ sở đó, hội đồng sẽ bỏ phiếu kín để lựa chọn. Với cái nhìn bao quát, ông cho rằng, “nếu nhìn về chất lượng so với những năm trước thì tôi xin đánh giá năm nay có lẽ sẽ là một năm khó khăn cho việc bỏ phiếu, bởi các ứng viên đều có công trình rất tốt trên các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của mình. Tôi hi vọng là hội đồng sẽ chọn được những người xứng đáng”.

Cũng như mọi năm, các tiêu chí xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay vẫn tập trung vào những yếu tố cơ bản: trao cho các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó. Sau khi bỏ phiếu, công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.