Trong lần đầu tiên Bộ KH&CN huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Vingroup đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chung tay cùng Nhà nước.
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF - và đại diện các đơn vị nhận tài trợ tại lễ ký sáng 20/2/2020. Ảnh: Vingroup Tập đoàn Vingroup vừa cho biết đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) tổng cộng 20 tỷ đồng.
Lễ ký kết diễn ra vào sáng nay, 20/2/2020, giữa Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VINBDI của tập đoàn với 3 đơn vị nhận tài trợ bao gồm: Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Trong đó, Vabiotech nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu “Phát triển vắc-xin chống lại chủng mới của virut corona (COVID-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm” do chủ tịch công ty TS Đỗ Tuấn Đạt, làm chủ nhiệm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và Virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV) tại Việt Nam” do PGS.TS Phan Trọng Lân làm chủ nhiệm. Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp” do Viện trưởng GS.TS. Lê Thị Hương làm chủ nhiệm.
Nhanh nhưng không vội
Để nhận tài trợ, các dự án đã được thẩm định bởi Hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học dự phòng, vệ sinh dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương
(Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup - VinIF) cho biết:
“Dù thời gian gấp rút, nhưng các dự án được lựa chọn đều đã
được xét duyệt nghiêm ngặt qua Hội đồng cấp quốc gia hoặc qua Hội đồng
Khoa học của Quỹ.” Bà cũng cho rằng, mong muốn tiếp sức cho các nhà khoa học của Tập đoàn Vingroup "sẽ rất hiệu quả nếu phối hợp thực hiện cùng
Nhà nước".
Trong khi đó, TS Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ: “Khoản kinh phí hỗ trợ từ Tập đoàn Vingroup thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng như với cộng đồng khoa học của Việt Nam trong thời điểm cấp thiết hiện nay. Chúng tôi rất ngạc nhiên về các nỗ lực của Ban điều hành Quỹ. Chỉ chưa đầy 10 ngày làm việc mà cả Quỹ và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các phần việc từ viết thuyết minh, thông qua hội đồng xét duyệt và ký kết hợp đồng triển khai – điều này chưa hề có trong bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của chúng tôi từ trước đến nay.”
Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vắc xin, xác định đặc điểm dịch tễ và virus của bênh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết, đưa ra cảnh báo phù hợp.
Cụ thể, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1.000 liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy trình công nghệ sản xuất vắc xin coronavirus trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm. Vắc xin được đánh giá trên động vật trước khi thử nghiệm trên cơ thể người.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ xây dựng mô hình thống kê phân tích dịch, công cụ dự báo dịch và ước tính nguồn lực cần thiết.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, quá trình nhiễm, virus, đáp ứng huyết thanh ở người nhiễm và biện pháp ứng phó dịch Covid-19 tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên, đề xuất giải pháp phòng chống dịch.