Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM là 3 trường đại học của Việt Nam lần đầu xuất hiện trong Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2020 (Emerging Economies University Rankings 2020) của Times Higher Education.

Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong khoảng 201-250 trong số 533 trường đại học từ 47 quốc gia hoặc khu vực được bao gồm trong bảng xếp hạng.

Đại học Bách khoa Hà Nội đứng trong khoảng 251–300.

Vị trí thấp nhất trong 3 trường được xếp hạng của Việt Nam là Đại học Quốc gia TPHCM, ở khoảng 401-500.

Thứ hạng của các trường đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2020 của Times Higher Education.

Năm nay Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi của THE mở rộng hơn, năm ngoái Bảng chỉ bao gồm 442 trường; trong khi năm 2018 là 350 trường.

Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi chỉ bao gồm các trường ở các quốc gia được Sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn FTSE Group phân loại là nền kinh tế mới nổi. Nhiều năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm này, nhưng đây là năm đầu tiên các trường của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng.

So với Bảng xếp hạng đại học thế giới (World University Rankings) của THE, Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi giảm bớt trọng số của nhóm tiêu chí “số trích dẫn”, tăng trọng số cho nhóm “quốc tế hóa” và “nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và tri thức”.

Theo THE, hiệu chỉnh này “phản ánh các ưu tiên phát triển của các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi”, đưa trọng số các nhóm tiêu chí về như sau: giảng dạy (chiếm 30% tổng số điểm), nghiên cứu (30%), trích dẫn (20%, giảm 10% so với Bảng xếp hạng đại học thế giới), quốc tế hóa (10%, tăng 2,5%), và nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp (10%, tăng 7,5%).

Trung Quốc chiếm bốn vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng và cũng là nước có nhiều trường được xếp hạng nhất (81 trường). Ngoài Trung Quốc, chỉ có Nga, Đài Loan và Nam Phi có mặt trong top 10. Ấn Độ không lọt top 10, nhưng đứng thứ hai sau Trung Quốc về số trường được xếp hạng với 56 trường. Brazil đứng thứ ba với 46 trường.

Đại học King Abdulaziz, Ả Rập Xê Út, chiếm vị trí thứ 13 - cao nhất trong số các đại học mới xuất hiện trong bảng.

2020 cũng là năm đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM vào Bảng xếp hạng đại thế giới của THE, công bố vào ngày 11/9/2019. Tại bảng này, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội đứng cùng nhóm xếp hạng. Tuy nhiên tại Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi, chỉ số trích dẫn vốn là thế mạnh của Đại học Bách khoa so với các trường đại học Việt Nam khác bị giảm trọng số, do đó Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành trường có xếp hạng cao hơn.