Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sẽ cùng Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (JINR) đồng tổ chức hội thảo và triển lãm giới thiệu các hoạt động nghiên cứu của JINR và đóng góp của tập thể các nhà khoa học Việt Nam tại JINR vào ngày 27/10.

Cụ thể, tại hội thảo, JINR sẽ chia sẻ thông tin về các hoạt động nghiên cứu, đào tạo hiện nay của Viện; và cơ hội cho các nhà khoa học, sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu, đào tạo ngắn hạn trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Đặc biệt, viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Liên bang Nga sẽ giới thiệu khả năng ứng dụng của vật lý hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như khoa học sức khỏe, khoa học vật liệu, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu mới,… Trong khi đó, Viện Hàn lâm chia sẻ thông tin về các hoạt động mà Việt Nam - một trong những thành viên sáng lập JINR - đã thực hiện trong thời gian qua tại JINR.

Bên lề hội thảo sẽ có triển lãm trưng bày các sơ đồ tương tác đa phương tiện của các dự án khoa học lớn đang hoạt động hoặc đang được xây dựng tại JINR như: Tổ hợp Máy gia tốc NICA (máy gia tốc va chạm collider của Nga), Nhà máy Các nguyên tố Siêu nặng (SuperHeavy Element Factory), và Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD.

Công trường. Ảnh: JINR
Công trường Tổ hợp Máy gia tốc NICA. Ảnh: JINR

Trong đó, Tổ hợp Máy gia tốc NICA hiện đang được xây dựng tại JINR trên khuôn viên của Phòng thí nghiệm Vật lý Năng lượng cao. Tham gia dự án NICA có sự góp sức của 26 quốc gia. Các nhà khoa học dự định va chạm các hạt nhân nặng tại máy gia tốc collider của tổ hợp NICA để thu được và nghiên cứu trạng thái của vật chất tồn tại trong những khoảnh khắc đầu tiên khi vũ trụ của chúng ta hình thành.

Nhà máy Các nguyên tố Siêu nặng (SuperHeavy Element Factory). ẢNh: JINR
Nhà máy Các nguyên tố Siêu nặng (SuperHeavy Element Factory). ẢNh: JINR

Nhà máy Các nguyên tố Siêu nặng (SuperHeavy Element Factory) là một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu trong việc tổng hợp các nguyên tố mới, nơi đầu tiên tổng hợp thành công nhiều nguyên tố mới của bảng tuần hoàn nguyên tố: dubnium (Db), flerovium (Fl), oganesson (Og), moscovium (Mc) và tennessine (Ts). [Trong tự nhiên chỉ tồn tại 92 nguyên tố hóa học, các nguyên tố nặng hơn uranium phải tổng hợp nhân tạo trong các phòng thí nghiệm khoa học.] Hiện tại, các nghiên cứu đang được thực hiện tại máy gia tốc mới DC-280, đây được coi là trung tâm của Nhà máy Nguyên tố Siêu nặng. Các nhà khoa học Dubna đang lên kế hoạch cho việc tìm kiếm nguyên tố 119 và 120 của bảng tuần hoàn.

Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD được lắp đặt tại hồ Baikal. Ảnh: JINR Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD được lắp đặt tại hồ Baikal. Ảnh: JINR
Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD được lắp đặt tại hồ Baikal. Ảnh: JINR

Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD - kính neutrino lớn nhất ở Bắc bán cầu có thể đặt sâu dưới nước - được các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân của JINR đưa vào hoạt động tại hồ Baikal. Đây là thiết bị độc đáo được thiết kế để phát hiện và nghiên cứu các luồng neutrino năng lượng siêu cao. Các nhà khoa học cho rằng những hạt neutrino mang thông tin về các quá trình diễn ra trong vũ trụ hàng triệu tỷ năm trước, và có thể làm sáng tỏ những bí ẩn về nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ.

Với hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo, khách đến triển lãm có cơ hội tham quan các phòng thí nghiệm của JINR và cảm nhận như đang dự phần vào một thí nghiệm thực thụ.


Thông tin chi tiết:

Thời gian: 9:00 - 17:00, thứ Năm, ngày 27/10/2022

Địa điểm: Tầng 8, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - tòa nhà A21, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Tham dự trực tiếp hoặc theo dõi trực tuyến tại đường link này: https://us02web.zoom.us/j/82154665431?pwd=MzlwZmVRdjM0ZzhwZlo3cHROR0xDQT09#success

Poster Hội thảo và Triển lãm. Ảnh: USTH
Poster Hội thảo và Triển lãm. Ảnh: USTH

Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (JINR) là tổ chức nghiên cứu khoa học liên Chính phủ, được thành lập theo Công ước do 12 nước sáng lập, trong đó có Việt Nam ký năm 1956. Đây cũng là một trong những viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Liên bang Nga và thế giới.

Hằng năm, Việt Nam có thể cử tối đa 30 đến 40 người làm việc dài hạn tại đây với phần kinh phí đi lại, bảo hiểm và lương tháng do JINR chi trả.

Từ năm 1982, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR.