Sáng 26/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc, nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; và Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá.
Đến nay, Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ. Tuy nhiên, với cách biên soạn như truyền thống, thời gian thực hiện Đề án sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.
Còn Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đang tiếp tục triển khai nhiều phân hệ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nhân đạo, văn hóa… Đây là đề án không sử dụng ngân sách Nhà nước, tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đến nay một số dự án của Hệ tri thức Việt số hóa đã ra mắt và đang tiếp tục hoàn thiện. Từ đó, từng bước xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, kiến thức của người dân; tạo ra các ứng dụng phổ cập tri thức phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Tại cuộc họp, cơ quan thường trực của hai Đề án xem xét, thảo luận phương án phối hợp tổ chức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam với sự hỗ trợ của Hệ tri thức Việt số hóa.
Cụ thể, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung các mục từ. Từ nguồn dữ liệu thô, các nhà khoa học có thêm thời gian xem xét, xử lý, gia tăng hàm lượng tri thức trong từng mục từ. Sau khi hoàn thành, ngoài bản in giấy, nội dung bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng sẽ được công khai trên mạng và cập nhật liên tục.
Theo VGP