Thời gian qua, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (ENV SPC) đã thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm khu vực phía Nam và đang nghiên cứu giải pháp năng lượng tái tạo để triển khai trong thời gian tới.

Thiếu hụt điện trong nuôi trồng thủy sản

Tại Hội thảo “Tích hợp nuôi trồng thủy sản với các hệ thống năng lượng tái tạo – động lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 11/5 tại TPHCM, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết, nhu cầu sử dụng điện năng trong nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Nếu nuôi tôm thâm canh, mỗi ha tiêu tốn khoảng từ 50 – 200 triệu tiền điện/vụ. Hiện nay, khoảng 10 – 30% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thiếu điện.
Ông Như Văn Cẩn
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ NTTS, Tổng cục Thủy sản

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, cho biết thêm, việc sử dụng điện thương phẩm trong ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng cao. Đặc biệt, ngành nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Nam có nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Năm 2017, điện năng tiêu thụ của các phụ tải nuôi tôm công nghiệp là 944 triệu kWh ở 10 tỉnh khu vực phía Nam.

Hiện nay, các nhà máy điện ở khu vực miền Nam không đáp ứng được nhu cầu phụ tải, luôn phải nhận công suất từ miền Bắc, miền Trung. Dự báo các năm 2021 – 2022, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt khoảng 1,2 – 1,6 tỷ kWh/năm và có thể còn cao hơn nếu các dự án nhiệt điện than không đáp ứng tiến độ hoàn thành.

Những giải pháp tiết kiệm điện

Theo ông Đức, việc cung cấp điện cho ngành nuôi trồng thuỷ sản hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đó là đa số các hộ nuôi tôm đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm. Nhiều hộ còn sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có mức tiêu thụ điện năng cao. Ngoài ra, việc cung cấp điện cho nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn do các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, thời vụ thả tôm đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến gây quá tải cục bộ….

Trước thực tế đó, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã triển khai một số đề án như hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm ở khu vực phía Nam. Với mô hình thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay, điện năng tiết kiệm được 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp. 161 hộ dân tham gia dự án đã tiết kiệm được 572.004 kWh điện/năm, tương đương gần 1 tỷ đồng.

Mô hình thứ hai là đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U giúp điện năng tiết kiệm được 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Lượng điện tiết kiệm hàng năm của 161 hộ dân là 1.456.351 kWh, tương đương gần 2,5 tỷ đồng.

s
Nhiều thiết bị sử dụng trong nuôi tôm có mức tiêu thụ điện năng cao

Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi trồng thủy sản còn hết sức hiếm do chi phí ban đầu khá cao, dù đây là một giải pháp tiềm năng.

Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang nghiên cứu triển khai sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm với phương án tích hợp tấm pin mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Trang từ Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, một số nước trên thế giới đã ứng dụng thành công mô hình năng lượng mặt trời trong nuôi trồng thủy sản. Như Canada ứng dụng mô hình năng lượng mặt trời trên mặt đất cạnh chỗ nuôi trồng; Thái Lan và Trung Quốc thì ứng dụng các hệ thống trên mặt nước. Tuy nhiên ở Việt Nam, khó khăn, thách thức hiện nay đối với phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề quỹ đất, tác động của biến đổi khí hậu (làm thay đổi yếu tố đầu vào như mưa, lũ, tốc độ gió, mây che phủ,...), ô nhiễm môi trường (khói, bụi làm giảm sản lượng của năng lượng mặt trời)... Đồng thời, cần có những nghiên cứu các mô hình nuôi tôm sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp với Việt Nam.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, kiến nghị cần ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo; các đơn vị điện lực phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới; các dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vay vốn, giảm tiền thuê đất, thuế nhập khẩu,… đối với các dự án phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo – theo ông Vy.