Liên tục trong 3 năm gần đây, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thương mại hóa công nghệ là vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống.

Nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa công nghệ hiệu quả hơn, sáng 14/10, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam” với sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Liên tục trong 3 năm gần đây, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mà tiêu biểu cho thời gian gần đây có thể kể đến thực phẩm chức năng NaturenZ hỗ trợ chức năng gan; Nanocircumin bảo vệ dạ dày; Fuicodan (rong biển) sử dụng trong thuốc CumarGoldKare hỗ trợ điều trị ung bướu, giảm tác dụng phụ của hóa, xạ trị,…

Trong ngành nông nghiệp, nhiều nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được thương mại hóa như quy trình lai tạo giống, sản xuất vaccine, sản phẩm dưỡng chất nano (ngành nông nghiệp). Ngoài ra còn có vật liệu mới ứng dụng trong an ninh quốc phòng, sơn chống cháy, các vật liệu mới thân thiện môi trường và công nghệ sinh - hóa xử lý rác, nước thải sinh hóa.

TS. Dương Ngọc Tú, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, làm việc với đối tác tại Đại học Dược Brighton - Vương quốc Anh phát triển sản phẩm curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước nano. Ảnh: VAST

Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao: kết quả quan trắc động đất cảnh báo sóng thần; kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ; hệ thống xử lý thải bệnh viện, nhà máy…

“Viện là đối tác rất quan trọng của chúng tôi. Từ khi thành lập năm 2015 đến nay, toàn bộ những sản phẩm chúng tôi đưa ra thị trường đều xuất phát từ Viện Hàn lâm [KH&CN Việt Nam] và các nhà khoa học,” bà Nguyễn Thị Vũ Thành, Phó TGĐ GoldHealth Việt Nam, cho biết. Công ty này đang thương mại hóa 3 sản phẩm xuất phát từ đề tài cấp nhà nước của Viện: GENK STF hỗ trợ nâng cao sức đề kháng; GHV KSol giảm nguy cơ mắc ung bướu, giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị; và viên khớp GHV Bone hỗ trợ duy trì và bảo vệ sụn khớp, tăng tiết dịch khớp. “Một năm nước ta đầu tư rất nhiều tiền cho nghiên cứu khoa học, nếu chỉ như những thành tích và không đi vào ứng dụng, đó là lãng phí. Trong khi có rất nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao, ở góc độ dược phẩm thì rất có tác dụng cho sức khỏe cộng đồng.”

Tuy đã đạt được những thành quả nhất định, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn còn khó khăn đối với cả doanh nghiệp và nhà khoa học. Phó TGĐ GoldHealth Việt Nam cho biết thêm, để phát triển được ba dòng sản phẩm hiện nay, Công ty đã phải tìm kiếm rất nhiều đề tài, với mỗi đề tài tiềm năng đều sản xuất số lượng lớn để kiểm nghiệm hiệu quả thực tế trước khi đưa vào kinh doanh, và nhiều trường hợp phải hủy bỏ dự án ngay cả sau khi đã sản xuất ra những lô thuốc lớn.

“Nhà khoa học rất thiếu điều kiện tài chính để phát triển sản phẩm công nghệ, thiếu các chính sách và khoản đầu tư cho phát triển và kiểm nghiệm sản phẩm,” TS. Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, cho biết. Theo TS. Hà Phương Thư, để các kết quả nghiên cứu thương mại hóa được, nhà khoa học “cần các nguồn tài chính thiết thực hơn.”