Trung Quốc vừa trải qua một đợt mưa lũ lịch sử trăm năm có một, dự báo sẽ thiếu hụt một lượng rau màu, thực phẩm lớn. Đây là cơ sở để vụ đông năm 2020, Bộ NN&PTNT chủ trương tăng diện tích sản xuất lên khoảng 20%.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 31/8, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc. Theo đó vụ đông năm nay được đánh giá có nhiều khó khăn.

Vụ đông 2019 có nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ đông 2018, lượng mưa cả vụ 461,6 mm thấp hơn vụ đông 2018, mưa tập trung chủ yếu cuối tháng 9 và nửa cuối tháng 10. Đặc biệt, đầu vụ đông 2019, do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa to đến rất to kèm theo dông nên đã làm ngập úng một số diện tích vùng thấp và dập nát một số diện tích cây vụ đông sớm, một số diện tích cây vụ đông ưa lạnh mới gieo trồng như khoai tây, rau các loại,...

Nguồn lao động nông nghiệp trong nông thôn thiếu, đa số là các lao động già, hết tuổi lao động; tình trạng thiếu hụt lao động trẻ, khỏe ở nông thôn rơi vào thời điểm đầu vụ gieo trồng và thời điểm thu hoạch đã cản trở sản xuất vụ đông. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng thấp hơn so với các ngành nghề khác nên một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng khiến việc phát triển sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vụ đông còn quá ít. Tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là nông dân tự bán hoặc qua tư thương ít có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nên sản xuất gặp nhiều rủi ro, ép giá…

Tuy nhiên, vụ Đông năm 2020, Bộ NN&PTNT vẫn đặt ra mục tiêu diện tích sản xuất đạt 430.000 - 450.000ha, tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông 2019).

Sản lượng phấn đấu đạt 4,6-4,9 triệu tấn (tăng 10-15% sản lượng so với vụ đông 2019). Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34.000-36.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.

Cơ cấu, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỉ lệ khoảng 55%. Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45%.

Nhiều diện tích cây ăn quả được tăng cường trong vụ đông tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, khu vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro, nguy cơ kép, đó là vừa chịu tác động của dịch COVID-19, vừa phải đối phó với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thiên tai bất thường.

Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp vẫn đặt ra 2 mục tiêu phải tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm tốt để vừa bảo đảmlương thực thực phẩm cho 100 triệu dân vừa bảođảmxuất khẩu.

Về lương thực, với đặc thù đất nước 100 triệu dân, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, nếu không có sản lượng cao nhất thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Điều đáng mừng là đến nay, đã tổ chức khá thành công với tổng diện tích đã gieo cấy 6,7 triệu hecta.

"Ở các tỉnh phía bắc, phải tập trung cho được sản xuất vụ Đông, vì thiên nhiên ưu đãi cho 31 tỉnh, thành phố có mùa đông lạnh. Đây là lợi thế để Việt Nam làm được cây vụ Đông. Bởi vì vụ Đông thời gian sản xuất ngắn nhưng giá trị kinh tế cao, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh… Nếu tổ chức sản xuất tốt thì 200-300 triệu đồng/ha là nằm trong tầm tay", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bên cạnh đó, phổ cây trồng của vụ Đông cũng rất rộng, các địa phương có thể lựa chọn cơ cấu phù hợp.

"Thêm đặc điểm nữa là Trung Quốc bị mưa lịch sử hàng trăm năm, kéo theo đó, thực phẩm (đặc biệt là rau màu) sẽ bị thiếu, chúng ta cần tận dụng cho được lợi thế này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp vào cuộc, địa phương chủ động lựa chọn cơ cấu giống cây trồng, chuyển đổi đất trồng lúa, vùng hạn mặn… để đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông. Các doanh nghiệp cố gắng sát cánh cùng bà con trong tiêu thụ nông sản.

Theo ông Nguyễn Như Cường. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ Đông tố đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).