Công ty Sách Omega+ cho biết, tác giả người Mỹ Jack McIver Weatherford sẽ dự buổi ra mắt cuốn “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại” của ông tại Hà Nội theo lời mời của Omega+.
Đây là cuốn sách đầu tiên của Weatherford được xuất bản ở Việt Nam. Omega+ cho biết đang xem xét việc mua bản quyền ba cuốn tiếp theo của ông, trong đó có hai cuốn về Mông Cổ: Genghis Khan and the Quest for God (2016) kể về việc Thành Cát Tư Hãn điều hành đế chế của mình bằng các công cụ thương mại và tôn giáo như thế nào; và The Secret History of the Mongol Queens (2010) kể về việc những người con gái của ông đã duy trì đế chế do cha mình dựng lên ra sao.
Tác giả Weatherford từng là Giáo sư Nhân học và chuyên gia về các dân tộc bộ lạc tại Đại học Macalester, Minnesota.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu sâu và xuất bản sách về văn hóa và lịch sử Mông Cổ vào cuối những năm 1990, ông đã viết sách về các nền văn hóa bản địa ở Bắc Mỹ.
Các nghiên cứu về Mông Cổ của ông được Chính phủ nước này nhiều lần ghi nhận: Năm 2006, ông được trao Huân chương Polar Star, sự vinh danh cao nhất của Mông Cổ dành cho người nước ngoài. Năm 2010, ông được trao Huân chương danh dự của Bộ Ngoại giao Mông Cổ và Huy chương của Tổng thống Mông Cổ.
Trong số các cuốn sách viết về Mông Cổ đã được xuất bản của Weatherford,
Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại (Genghis Khan and the Making of the Modern World, 2004) mang lại cho ông nhiều danh tiếng nhất, với hơn 300.000 bản sách đã được bán. Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng bình luận: "Có rất ít thời gian để đọc khi tôi nhận công việc mới. Nhưng trong số ít những thứ đã đọc, cuốn sách yêu thích của tôi là Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại của Jack Weatherford. Nó đã miêu tả Thành Cát Tư Hãn dưới một góc nhìn hoàn toàn mới, cho thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo thế tục tuyệt vời…"
Tình cờ, chị Võ Phương Linh, người dịch cuốn sách sang tiếng Việt, cũng vừa tốt nghiệp ngành Quốc tế học tại chính ngôi trường nơi Weatherford có gần 30 năm làm giáo sư. Chị cho Khoa học và Phát triển biết, chị nhận lời dịch cuốn sách bởi bản thân chị theo học Nhân học như chuyên ngành tự chọn; bên cạnh đó, chị cũng muốn tìm hiểu thêm về lịch sử một vùng đất châu Á huy hoàng trong quá khứ nhưng giờ đây ít được nhắc tới.
Theo người dịch, cuốn sách chứa khối lượng thông tin khá lớn, bắt đầu từ trước khi cậu bé Thiết Mộc Chân (tên thật của Thành Cát Tư Hãn) ra đời cho đến khi hậu duệ cuối cùng của ông bị phế truất vào năm 1920 và chính thức đặt dấu chấm hết cho đế chế Mông Cổ, nhưng “thay vì đơn thuần thuật lại các sự kiện theo trình tự thời gian một cách khô khan, hay đi sâu vào các phân tích nặng tính chuyên môn, giáo sư Weatherford dùng lối dẫn chuyện đơn giản mà hấp dẫn, kết hợp với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hoá, lịch sử Mông Cổ và thế giới cùng nhiều nguồn tài liệu khác để đưa ra cái nhìn đa chiều về quân đội và người dân Mông Cổ.”
Phương Tây từ lâu đã có cái nhìn không mấy thiện cảm về Thành Cát Tư Hãn, chị Linh nhận xét. “Những giai thoại và lời đồn không kiểm chứng về sự khát máu và dục vọng của ông tới nay vẫn được lan truyền rộng rãi, và mình vẫn thường thấy các bộ phim hay trò chơi điện tử ở Mỹ mặc nhiên coi Thành Cát Tư Hãn là một kẻ độc tài xấu xa – giống như Hitler hay Mussolini, nhưng thậm chí không ‘văn minh’ bằng”.
Chia sẻ cảm nhận của mình về cuốn sách, chị Linh nói: “Trong ngành nhân chủng học có một nguyên tắc căn bản gọi là cultural relativism, tạm dịch là ‘thuyết tương đối văn hoá’. Nói một cách đơn giản, nguyên tắc này yêu cầu người A phải hiểu được lối suy nghĩ và hành động của người B theo văn hoá của người B chứ không phải theo tiêu chuẩn người A áp đặt. Mình tin rằng giáo sư Weatherford đã áp dụng xuất sắc nguyên tắc này khi nghiên cứu và viết cuốn sách, để từ đó người đọc có được cái nhìn khách quan nhất có thể về Thành Cát Tư Hãn.”
Tác giả Weatherford sẽ dự buổi ra mắt sách từ 14:00 – 17:00 ngày Thứ Bảy, 14/7, tại Khách sạn Hòa Bình. Ngoài ra, ông sẽ dự buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Sử của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng một số viện nghiên cứu khác vào sáng Thứ Ba, 17/7, tại trụ sở của Công ty Sách Alpha.