Theo báo cáo công bố vào ngày 18/7 của Fitch Solutions Macro Research, một trong những tổ chức phân tích và dự báo kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ béo phì cao nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010-2014, tỷ lệ béo phì trong độ tuổi trưởng thành (có chỉ số BMI trên 25) ở Việt Nam là 38% trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia 33%, Malaysia, Thái Lan 27%, Singapore 24%…
Báo cáo nhấn mạnh đến nguyên nhân gia tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là sự thay đổi về điều kiện kinh tế dẫn đến những chế độ ăn uống không lành mạnh, kết hợp với việc ít tập thể dục. Hậu quả là có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường,… gây ra gánh nặng không nhỏ cho nền y tế. Bên cạnh đó, giảm năng suất do béo phì cũng là mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt ở các nước kém phát triển.
Tuy chưa nêu ra các biện pháp được thực hiện từ năm 2014 để chống lại bệnh béo phì ở Đông Nam Á nhưng báo cáo cũng đề cập đến việc Malaysia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt 0,4 ringgit/l đối với đồ uống ngọt đóng gói, từ nước ép trái cây đến nước ngọt từ ngày 1/7/2019.
Thanh An