Hai mươi năm, sau khi Chỉ thị số 58-CT/TW ra đời, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam từ những bước đi đầu tiên đã đạt mức tăng trưởng doanh thu đều đặn trên dưới 50%/năm. Chỉ riêng, năm 2017 doanh thu của lĩnh vực này đã tăng gấp gần 6 lần doanh thu của năm 2007, đạt 58.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).

Phối cảnh công viên phần mềm và tổ hợp đào tạo của FPT tại Cần Thơ.


Một trong những mục tiêu quan trọng của Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là phát triển công nghiệp phần mềm. Chỉ thị này được xem như là kim chỉ nam đặt nền móng phát triển đầu tiên cho ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam. Vậy trong hành trình gần hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã viết nên những câu chuyện gì?

Định danh Việt Nam – điểm đến xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới

Vào thời điểm các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ được xem là các trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn của thế giới thì các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu bước những bước đi đầu tiên mang tính dò đường tìm cách thức để tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên, khẳng định bản lĩnh tiên phong trên sân chơi toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm.

Đơn cử như FPT, năm 2000 doanh nghiệp này mới chỉ dò dẫm những bước đi đầu tiên, mở đường cho xuất khẩu phần mềm Việt Nam thì 4 năm liên tiếp kể từ 2014, doanh nghiệp này được Hiệp hội Quốc tế về dịch vụ ủy thác chuyên nghiệp (IAOP) bình chọn là một trong 100 nhà cung cấp dịch vụ ủy thác hàng đầu thế giới (The Global Outsourcing 100).

Sự dấn thân của các doanh nghiệp phần mềm Việt đã góp phần nâng tầm ngành phần mềm Việt Nam cả về hình ảnh, khả năng và doanh thu. Mới đây nhất, theo chỉ số dịch vụ Global Services Location Index - chỉ số xếp hạng dịch vụ gia công phần mềm năm 2017, Việt Nam đạt được vị trí cao nhất trong 8 lần đánh giá của công ty tư vấn A.T Kearney kể từ trước đến nay. Bản báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của Gartner xếp Việt Nam là 1 trong 6 địa điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Về doanh thu, các doanh nghiệp phần mềm Việt có mức tăng trưởng doanh thu đều đặn trên dưới 50%/năm. Năm 2017 doanh thu của lĩnh vực này đã tăng gấp gần 6 lần doanh thu của năm 2007, đạt 58.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).

Bắt kịp công nghệ 4.0 – bước tiến mới trên bản đồ công nghệ thế giới

Tại Hội thảo và Triển lãm công nghệ 4.0 (Industry 4.0 Summit) được tổ chức mới đây, hàng loạt những sản phẩm, giải pháp phần mềm ứng dụng công nghệ 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam được trình diễn.

Một trong những đại diện nổi bật cho việc nắm bắt nhanh nhạy làn sóng 4.0 là Tập đoàn FPT, với một loạt các giải pháp công nghệ gây nhiều bất ngờ. Dù chỉ có kích cỡ như bàn tay trẻ em nhưng cánh tay "robot made in Vietnam" lại thu hút được sự quan tâm của nhiều khách mời tham quan tại sự kiện bởi khả năng mô phỏng linh hoạt theo các chuyển động của bàn tay con người thông qua kết nối internet. Cánh tay robot này là kết quả cho quá trình thử nghiệm kết nối từ nền tảng IoT MindSphere, AWS… đến các thiết bị khác nhau mà FPT đang nghiên cứu để ứng dụng trong lĩnh vực nhà máy thông minh. Trong thời gian tới, dự kiến doanh nghiệp này sẽ cho ra đời bộ giải pháp hỗ trợ nhà máy thông minh phiên bản 1.0 với các tính năng như: Bảo trì dự đoán, sản xuất mô phỏng, kiểm soát chất lượng, kết hợp robot, máy bay không người lái với các công nghệ cốt lõi là IoT – Digital Twin, AI – Deep Learning, Big Data – dự đoán với dữ liệu lớn.

Không chỉ đẩy mạnh cho công nghệ, FPT còn có thêm một bước tiến nữa trong hành trình trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ chuyển đổi số thông qua việc mua công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Intellinet. Sự kết hợp giữa thế mạnh về tư vấn của Intellinet và năng lực công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu của FPT sẽ giúp hai bên cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số.

Với những cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 ngành công phần mềm Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao vị thế, tuy nhiên cần có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp phần mềm quy mô lớn và chuyên nghiệp. Vì theo ông Bill Ruh, Giám đốc Chuyển đổi số của GE, công nghiệp phần mềm sẽ trở thành ngành có giá trị nhất, các doanh nghiệp phần mềm có quy mô lớn và chuyên nghiệp sẽ là những công ty có cơ hội phát triển tốt nhất trên thế giới.

Đầu tư xây dựng các khu làm việc theo mô hình campus

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chỉ thị 58 là chú trọng ưu tiên phát triển các khu công nghiệp công nghệ phần mềm. Sau Chỉ thị này, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tại TPHCM được thành lập và mở đầu cho sự phát triển các khu phần mềm tập trung khác tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Hiện Công viên phần mềm Quang Trung đang xây dựng mô hình thí điểm Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Tính đến nay khu công viên phần mềm này đã có 155 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.433 tỷ đồng các sản phẩm, giải pháp chủ yếu được xuất khẩu trên 20 quốc gia tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.

Cùng với xu hướng hình thành các khu phần mềm tập trung theo chủ trương chính sách của Nhà nước, một số doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cũng đã xây dựng các khu làm việc theo mô hình campus của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Chẳng hạn như FPT với 3 campus tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM dành cho các hoạt động xuất khẩu phần mềm. 3 khu campus này của FPT mang đến chỗ làm việc cho khoảng 7.000 nhân lực trong ngành CNTT. Tập đoàn này mới đây cũng đã khởi công tổ hợp công viên phần mềm và tổ hợp đào tạo tại Cần Thơ với kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một điểm nhấn của thành phố về mặt kinh tế, đào tạo và cũng chính là cam kết lâu dài của FPT trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tại Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.