Giáo sư Lê Hồng Khiêm (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và các cộng sự ở ĐH Đà Lạt, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Phòng thí nghiệm Vật lý neutron (Viện Liên hợp hạt nhân Dubna) đã có thêm những dữ liệu mới về nồng độ các kim loại trong không khí Hà Nội, Đà Lạt và Nha Trang.
Đó là công bố "Nghiên cứu về dấu vết kim loại trong không khí ở các địa điểm thuộc đồng bằng sông Hồng và cao nguyên miền Nam bằng kỹ thuật giám sát sinh học rêu và phân tích kích hoạt neutron" trên tạp chí Journal of Radioanalytical and Nuclear Chemistry. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sử dụng 45 mẫu rêu Barbula đặt tại trung tâm Hà Nội, Hải Dương, Nha Trang và Đà Lạt vào cuối mùa mưa năm 2019. Sau khi thu thập mẫu vật, họ sử dụng phương pháp phân tích kích hoạt neutron để xác định nồng độ các nguyên tố kim loại tại Phòng thí nghiệm vật lý neutron Frank (FLNP) và phát hiện ra 29 nguyên tố. Hầu hết các nồng độ kim loại cao nhất họ phát hiện ra đều ở Hà Nội, trong đó đáng chú ý là mangan, nhôm, vladi, crom, sắt, niken, kẽm… Nguồn gốc của các ô nhiễm này đều từ các hoạt động của con người trong những vùng đô thị có lượng dân số cao.
Đáng chú ý, các mức nồng độ kali và clo cao trong không khí – chỉ dấu liên quan đến phân bón cây trồng, đều được tìm thấy ở các khu vực trồng lúa ở Đồng Tâm, Hải Dương.
Anh Vũ