Nhóm các nhà khoa học ở Phân viện Viện Vật liệu xây dựng vừa nghiên cứu, sản xuất ra một loại sản phẩm mới để phủ , chống phát tán bụi cho các bãi chứa chất thải rắn. Sản phẩm này được sử dụng phần lớn hàm lượng tro bay của nhà máy nhiệt điện.
ThS Lê Văn Quang – Phó Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng Miền Nam - cho biết, hiện chất thải rắn ở dạng bột mịn như tro xỉ nhiệt điện, phế thải trong các ngành như than, nhà máy gang thép,… là khá lớn. Riêng lượng tro xỉ nhiệt điện, bùn thạch cao thải ra đã lên tới khoảng 28 triệu tấn/năm. Cả nước đang tồn chứa gần 16 triệu tấn/năm tro, xỉ nhiệt điện tại các bãi thải.
Để hạn chế những chất thải rắn phát tán gây ô nhiễm môi trường, các bãi chứa thường sử dụng đất, bọt, bạt polymer, vật liệu gốc xi măng để phủ lên. Sử dụng đất là phương pháp lâu đời và phổ biến nhất bởi rẻ tiền và có sẵn tại địa phương. Tuy nhiên, phương pháp này làm lãng phí tài nguyên đất, tốn diện tích chứa chất thải và nước mưa có thể ngấm qua. Dùng bọt phủ cũng phổ biến trong bãi rác chất thải rắn tạm thời, giúp hạn chế bụi, mùi. Đây là loại vật liệu composite được sản xuất chủ yếu từ ure –formaldehyde, phủ bằng phương pháp phun, thời gian đóng rắn nhanh, hạn chế việc thấm nước mưa. Mặc dù vậy, phương pháp này khó thi công ở điều kiện khi có gió lớn hoặc mưa, không bền vững theo thời gian nên chỉ phù hợp việc phủ tạm thời. Đối với bạt phủ polymer thường chống nước tốt nên được dùng ở bãi tích trữ phế thải tro xỉ, tro bay của nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, giúp tránh phát tán bụi qua không khí. Tuy nhiên, loại này có nhược điểm là không sử dụng đơn lẻ mà phải dùng cùng với đất hoặc đá nhằm cố định nó lên lớp bề mặt vì bạt khá nhẹ, dễ bị gió thổi bay, dễ bị hỏng, phân hủy bởi nhiệt độ.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tro bay để chế tạo ra vật liệu phủ tạm thời hay lâu dài cho các bãi thải rắn nhằm chống phát tán ô nhiễm. Theo ThS Quang, nhóm đã sử dụng tro bay ở các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh), Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận), Phả Lại 3 (Hải Dương) trộn cùng với các loại phụ gia (siêu dẻo, chống rửa trôi, đóng rắn nhanh,…) và xi măng theo tỷ lệ nhất định sẽ cho ra loại vật liệu phủ mới. Với thành phần tro bay chiếm 95%, loại vật liệu phủ này có độ linh động chảy lỏng cao, cường độ thấp, dễ dàng thi công phun phủ bề mặt.
“Tùy theo mức độ sử dụng, chúng tôi có thể làm lớp phủ tạm thời (dày từ 3 – 10mm) hay phủ lâu dài (dày trên 10mm) với thời gian kết dính dưới 5 giờ, có thể dễ dàng phá bỏ lớp phủ khi muốn khai thác bãi chứa chất thải rắn. Vật liệu phủ có thể thi công ngay cả trong điều kiện trời mưa” – ThS Quang nói và cho biết, vật liệu này đã được áp dụng thử nghiệm tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và giá thành vật liệu khá rẻ, chỉ khoảng 1.280 đồng/m2 phủ tạm thời và 3.770 đồng/m2 phủ lâu dài.
“Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần làm tăng lượng tái sử dụng tro bay nên cần được sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhà máy nhiệt điện ở nước ta để thay thế cho giải pháp chống phát tán bụi dùng công nghệ thải xỉ khô. Ngoài ra, vật liệu này cũng có thể phun phủ chống bụi cho đường giao thông, mỏ khai thác, kênh mương, thiết bị chuyên chở vật liệu mịn”- ThS Quang khuyến nghị và mong muốn có các nghiên cứu sâu hơn cho việc sử dụng vật liệu phủ này để chống phát tán mùi hôi, nước rỉ rác, ngăn côn trùng,..., có thể sử dụng cho các bãi rác đô thị, thay thế phủ bằng đất truyền thống.