Ngành kinh tế chiếm tới 22 đề tài trong tổng số 36 đề tài nghiên cứu cơ bản lĩnh vực KHXH&NV mới được Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nafosted phê duyệt tài trợ (hồ sơ đợt I/2020) ngày 13/3 vừa qua.

Phân hóa giàu nghèo, nghèo đa chiều là vấn đề được nhà nghiên cứu kinh tế phân tích trong các đề tài do Nafosted tài trợ.
Phân hóa giàu nghèo, nghèo đa chiều là vấn đề được nhà nghiên cứu kinh tế phân tích trong các đề tài do Nafosted tài trợ.

Số lượng đề tài thuộc các ngành khác được nhận tài trợ của Nafosted có khoảng cách rất xa so với kinh tế. Cụ thể: Tâm lý học - giáo dục học (5 đề tài); các nhóm ngành Văn hóa học – nghệ thuật – thông tin đại chúng và truyền thông, Liên ngành sử học – khảo cổ học – dân tộc học, liên ngành Triết học – chính trị học – xã hội học và ngành Luật học đều chỉ có 2 đề tài được tài trợ/ mỗi nhóm ngành. “Lép vế” nhất là nhóm liên ngành văn học – ngôn ngữ học, có một đề tài được tài trợ.

Là một ngành có thế mạnh công bố quốc tế từ nhiều năm nay nên Kinh tế học vẫn thường có ưu thế hơn trong các đợt tài trợ của Nafosted. Không chỉ đảm bảo điều kiện “đầu vào” khi xét duyệt tài trợ, mà xét về tiêu chuẩn đầu ra thì số lượng xuất bản quốc tế của ngành Kinh tế thường ở mức cao nhất, ngay cả trước thời điểm có yêu cầu vào năm 2015 của Quỹ. Nhiều nhà nghiên cứu có hồ sơ được tài trợ đợt 1 năm 2020 là những gương mặt đã lọt vào top công bố quốc tế nhiều nhất ở Việt Nam theo bình chọn của Dự án Nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) như TS. Phùng Đức Tùng, TS Trần Quang Tuyến, TS Hoàng Xuân Trung...