Carbon đen, một sản phẩm từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các sản phẩm như nhựa, dầu thực vật, sinh khối…, là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm không khí, do đó có tiềm năng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bị phơi nhiễm dài hạn.
Để định lượng mức độ phơi nhiễm carbon đen hằng ngày, PGS. TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng HN) và cộng sự đã dùng thiết bị microAethe® model AE51 để đo lường các mức carbon đen trong nhiều vi môi trường khác nhau như các tòa nhà và các phương tiện vận chuyển… Một trong những phát hiện đáng chú ý là mức độ phơi nhiễm carbon đen trong vi môi trường liên quan đến việc đóng, mở cửa: nếu cửa mở thì nồng độ là 3,58 µg/h còn đóng thì nồng độ là 2,15 µg/h. Trong các vi môi trường, cửa hàng cà phê có hút thuốc là nơi có nồng độ carbon đen cao nhất với 3,98 µg/h, bệnh viện có nồng độ thấp nhất 1,54 µg/h còn văn phòng công sở có nồng độ là 1,92 µg/h.
Nhìn chung, nồng độ carbon đen trung bình mà một người có thể phơi nhiễm hằng ngày là 5,46 µg/h. Những người bị phơi nhiễm nhiều nhất là người đi lại bằng xe máy, tài xế ô tô, lần lượt là 13,48 µg/h và 5,74 µg/h.
Phát hiện cho thấy, ở Hà Nội, nguy cơ khiến mọi người bị phơi nhiễm carbon đen hằng ngày là từ quá trình di chuyển. Để hạn chế phơi nhiễm, mọi người nên dùng khẩu trang chuyên dụng hoặc đi xe buýt. Kết quả được xuất bản trong “Daily personal exposure to black carbon in different microenvironments in Hanoi, Vietnam” (Phơi nhiễm cá nhân hằng ngày với carbon đen trong những vi môi trường khác nhau ở Hà Nội, Việt Nam) xuất bản trên Journal of Science and Technology in Civil Engineering (STCE), tạp chí của ĐH Xây dựng có trong cơ sở dữ liệu ASEAN Citation Index (ACI) từ tháng 8/2020.
T. Nhàn