Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, ngày 20/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.


Lễ khởi động dự án, Sân bay Biên Hòa, 20/4/2019. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ

Đây được coi là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao trong khoảng thời gian dự kiến kéo dài 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập tương tự như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng.

Tham dự lễ khởi động dự án có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink; và 9 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Năm 2016, USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Theo đó, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m³, gấp gần bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng trong 6 năm với chi phí 110 triệu USD. Tiếp sau hoạt động đánh giá, USAID đã ký các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2018 cho giai đoạn đầu kéo dài 5 năm với kinh phí cam kết là 183 triệu USD.

Phát biểu tại lễ khởi động, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, đây sẽ là một trong những dự án khắc phục lớn nhất trên thế giới, đòi hỏi những bộ óc và công nghệ tốt nhất mà Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tập hợp được.

Ông nói, “việc hai kẻ thù cũ hiện đang hợp tác trong một nhiệm vụ phức tạp như vậy”, với sự tôn trọng lẫn nhau, đã có những tiền lệ tốt đẹp, mà việc hoàn thành xử lý dioxin tại tại sân bay Đà Nẵng là một ví dụ.

Ông bày tỏ tin tưởng, dự án làm sạch Biên Hòa sẽ thành công vì hai lý do. Thứ nhất là sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ, bằng chứng là sự tham gia của 9 thượng nghị sĩ từ Thượng viện Hoa Kỳ trong lễ khởi động dự án. “Sự hiện diện của họ thể hiện cam kết của hai đảng phái, của toàn Chính phủ đối với nỗ lực này; Chính phủ Hoa Kỳ thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của dự án này và những dự án tương tự.” Thứ hai là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quan hệ đối tác giữa hai bên. “Cam kết đó được thể hiện rất rõ qua lời nói và hành động của Thượng tướng Vịnh, cả trong vai trò Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 [Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam]. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ của ông, chúng tôi đang tự tin giải quyết không chỉ vấn đề ô nhiễm dioxin, mà còn các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh khác, như loại bỏ vật liệu chưa nổ, đưa hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích về nước, và các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.”