Buổi lễ diễn ra tại Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Liên minh Châu Âu (EU), đại sứ quán các nước Đức, Áo và Đan Mạch.

Đây là dự án quốc tế do Mạng lưới Đông Nam Á – Châu Âu khởi xướng, với sự tham gia của bốn trường đại học đến từ Áo, Đức, Đan Mạch và Lào; hai đại học của Việt Nam là ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; bên cạnh các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đến từ châu Âu và Việt Nam. Được biết, 3 mục tiêu căn bản xoay quanh các hoạt động của dự án là: (1) Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và cải thiện giáo dục đại học tại các bậc đào tạo các kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập một khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải; (2) Nâng cao khả năng được tuyển dụng và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cán bộ của các trường; (3) Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Lễ ký kết khởi động dự án ''Quản lý và tái chế nhựa''

Lễ ký kết khởi động dự án ''Quản lý và tái chế nhựa''

Giáo sư Stefan Petrus Salhofer đến từ ĐH Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna (Áo), lãnh đạo dự án, phát biểu: thế giới đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng nhanh chóng của rác thải nhựa, từ 15 triệu tấn năm 1964 lên tới 311 triệu tấn trong năm 2014. Nhưng nghiêm trọng hơn, chỉ khoảng 53% trong tổng số chất thải nhựa ra môi trường là được thu hồi, 10% được đưa vào tái sử dụng, 10% dùng để đốt, còn lại 33% thì bị chôn lấp. Điều đó cho thấy, các quốc gia đang lãng phí nguồn tài nguyên này rất lớn khi chưa đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa. Vì vậy, “dự án này sẽ tập trung chủ yếu vào khâu đào tạo và nâng cao trình độ, nhận thức của người dân, nhà quản lý lẫn các công ty tái chế”, ông khẳng định.

Đồng quan điểm với GS. Salhofer, GS.TS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự Nhiên – nhận định, lĩnh vực tái chế rác thải nhựa đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản, và có kiến thức tổng hợp từ nhiều chuyên ngành. Đây là dự án “Quản lý và tái chế nhựa” của Mạng lưới Đông Nam Á – Châu Âu, vì thế mang nhiều giá trị nhân văn khi hướng tới việc tạo ra và ứng dụng các công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường, để những cộng đồng dân cư lẫn quy mô hộ gia đình đều có thể sử dụng. Bên cạnh đó, dự án cũng cam kết hỗ trợ các lao động làm nghề tái chế rác thải nhựa đảm bảo sinh kế, song hành cùng mục tiêu phát triển bền vững.

Trong phần thảo luận, một đại diện đến từ Công ty TNHH Môi Trường Đô Thị TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn dự án, khi được thông qua, với những công nghệ do các đối tác mang đến có thể giúp cải thiện tình trạng môi trường như hiện nay ở Việt Nam, Lào và các nước trong khu vực. Ngoài ra, bên cạnh yếu tố kỹ thuật công nghệ, phía doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến những chính sách liên quan đến an toàn lao động, đào tạo và chuyển giao công nghệ, cũng như sự hỗ trợ về mặt tài chính và pháp lý.


Dự án '”Quản lý và tái chế nhựa” sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm, bao gồm 6 hạng mục chính là: 1) Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; 2) Thành lập hai trung tâm đào tạo khu vực dành cho các người làm việc trong ngành tái chế nhựa; 3) Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; 4) Chương trình đào tạo giảng viên; 5) Đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo thạc sỹ; 6) Nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.