Ngày 9/12, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) đã chính thức đi vào hoạt động dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định việc cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử không những giúp làm thủ tục nhanh hơn mà còn nâng tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư tốt hơn và góp phần chống tham nhũng.

Tại thời điểm khai trương, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cổng dịch vụ này cũng cung cấp 4 dịch vụ cấp bộ: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Trong quý 1/2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Cụ thể, trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin- Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Văn phòng Chính phủ trình dự thảo nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng dịch vụ công quốc gia được kỳ vọng sẽ là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.