Theo báo cáo đánh giá khái quát của VUSTA, 202 tổ chức trực thuộc đã huy động được khoảng 520 tỉ đồng phục vụ cho hoạt động chuyên môn gồm nghiên cứu, tư vấn chính sách, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong cộng đồng...

GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội nghị "Đánh giá hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA năm 2019, Gặp gỡ 2019 vì hợp tác và phát triển" diễn ra ở Hà Nội vào ngày 10/12.
GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội nghị "Đánh giá hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA năm 2019, Gặp gỡ 2019 vì hợp tác và phát triển" diễn ra ở Hà Nội vào ngày 10/12.

Tuy nhiên, quy định của nhà nước hiện nay về việc xét duyệt dự án của các tổ chức nghiên cứu độc lập, phi chính phủ còn chậm, thủ tục để đóng thuế, hoàn thuế VAT theo chính sách ưu đãi đã rất phức tạp và khó thực hiện.

Cụ thể là chưa có phân định rõ ràng giữa loại hình doanh nghiệp/ tổ chức có lợi nhuận với phi lợi nhuận nên các tổ chức KHCN của VUSTA gặp khó trong giải trình với cơ quan thuế. Nhiều tổ chức KHCN không có hoạt động kinh doanh hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ nhưng bị áp thuế giống như với các doanh nghiệp, định kỳ phải báo cáo doanh thu chi phí, hóa đơn bán hàng...

Thậm chí nhiều cơ quan quản lý về thuế không biết được tính chất hoạt động của tổ chức KHCN, không biết áp dụng chính sách thuế và áp mức thuế phù hợp, các tổ chức KHCN chưa có ô nào cho việc đăng ký thuế và thường phải điền “loại hình doanh nghiệp khác” trong hồ sơ.

Do đó, VUSTA kiến nghị Bộ KH&CN có văn bản gửi Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục đăng ký thuế của các tổ chức KH&CN theo hai hướng: Đối tượng thứ nhất là các tổ chức KHCN không vì lợi nhuận và không có dịch vụ tạo ra nguồn thu thì kiến nghị có chính sách ưu đãi về thuế; thứ hai là loại hình tổ chức KH&CN có dịch vụ và nguồn thu thì kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về chính sách thuế áp dụng như với doanh nghiệp KHCN.