Sử dụng công nghệ khử khuẩn nhiệt áp cùng với thiết kế đặc biệt giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi sinh vật, hệ thống xử lý nước RO NT-30 trong chạy thận nhân tạo được Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM, áp dụng hai năm nay đã giúp bệnh viện không sử dụng hóa chất để khử khuẩn hệ thống xử lý nước RO.

Thông tin trên được bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh – Bệnh viện Thủ Đức, TPHCM, cho biết tại Hội thảo “Công nghệ mới dùng trong giám sát chất lượng nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo và xử lý nước thải y tế quy mô nhỏ” do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tổ chức ngày 30/7 tại TPHCM.

Theo bác sĩ Thịnh, trước khi sử dụng hệ thống xử lý nước RO NT-30, do Công ty Cổ phần thiết bị y tế miền Nam nghiên cứu, chế tạo, hệ thống RO của Bệnh viện Thủ Đức đã được sử dụng 7 năm, thiết kế theo chuẩn “tự phát”, không có các van cô lập dùng cho sửa chữa và bảo trì. Hệ thống cũng không có quy trình vận hành, bảo trì, sửa chữa và tiền xử lý không hoàn chỉnh.

“Thảm họa tương tự như ở tỉnh Hòa Bình năm 2017 làm 8 bệnh nhận bị chết hoàn toàn có thể xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức, nếu tiếp tục sử dụng hệ thống RO cũ này” – bác sĩThịnh chia sẻ và cho biết, tháng 7/2017, Bệnh viện quyết định thay hệ thống RO mới RO NT-30 nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

BS. Nguyễn
BS. Bùi Nghĩa Thịnh - Bệnh viện Thủ Đức, TPHCM

Hệ thống chia dây chuyền sản xuất nước thành 4 khâu tạo nước: nguồn, làm mềm, RO1, RO thành phẩm nên thích thích hợp với tình trạng nguồn nước không ổn định, thiếu nước, an toàn cho bệnh nhân, tránh mất máu hay dừng quá trình lọc.

“Do sử dụng nhiệt trong khử khuẩn nên hạn chế phải dùng hóa chất, nước đạt chuẩn AAMI (do Hiệp hội vì sự phát triển của thiết bị y tế của Mỹ ban hành), chạy thận ổn định, không bị dừng máy giữa chừng” – bác sĩ Thịnh nói và cho biết thêm, hệ thống còn tiết kiệm điện, nước và hạn chế được sự phát triển của vi sinh vật do đường ống phân phối tới máy chạy thận bằng thép không gỉ, chịu nhiệt tốt nhất SS316L khi khử khuẩn bằng nhiệt áp cao.

Hệ thống xử lý nước RO tại Bệnh viện Thủ Đức
Hệ thống xử lý nước RO tại Bệnh viện Thủ Đức

Ngoài ra, bồn chưa nước RO1 và RO thành phẩm kín hoàn toàn với đáy tròn; cột làm mềm dùng dung dịch muối bão hòa để hoàn nguyên, cho phép xả đáy hoàn toàn nước dịch cũng hạn chế sự phát triển của vi sinh vật. Các chỉ số hóa lý, vi sinh,… của nước RO được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xét nghiệm đạt chuẩn với thời gian cho kết quả nhanh (hóa, lý 3 ngày; vi sinh 1 ngày).

“Sau hai năm sử dụng cho thấy, nước luôn đạt chuẩn AAMI, màng RO vẫn đạt hiệu suất thải loại 96%, đảm bảo lưu lượng nước theo công suất thiết kế. Ngoài bệnh viện Thủ Đức, hệ thống này hiện nay đang được lắp đặt ở một số bệnh viện như Bình Dân, Quận 11, Quận 7, Phú Nhuận (TPHCM), Sóc Trăng,…” – theo bác sĩ Thịnh.

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trường khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, mỗi năm, Bệnh viện tiến hành kiểm tra chất lượng nước thành phố hai lần, kiểm tra 23 thông số lý hóa 1 lần; vi sinh, nội độc tố 3 tháng một lần hoặc có thể kiểm tra đột xuất nếu thấy nghi ngờ. “Tùy theo thực tế, các cơ sở y tế nên xây dựng quy trình vận hành hệ thống nước RO cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo chất lượng và an toàn cho bệnh nhân” - BS. Dũng nhấn mạnh.

B
BS. Nguyễn Hữu Dũng giới thiệu về quy trình vận hành hệ thống nước RO

Trong khuôn khổ Hội thảo, Trung tâm Ứng dụng dịch vụ KH&CN (Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Kiểm định thiết bị và đo lường đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai các dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khu vực phía Nam. Cụ thể như các hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên môn; Giám sát xét nghiệm nước RO, nước sinh hoạt; Khám bệnh nghề nghiệp; Kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế; Nghiên cứu khoa học các lĩnh vực có liên quan;…