Công bố mới đây của nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Đà Lạt và Đại học Quốc gia Đài Bắc trên tạp chí Separation and Purification Technology (Q1 của Scimago) về hệ thống lọc nước ngọt từ nước mặn sử dụng màng MD đã đem lại tiềm năng về một giải pháp giá rẻ và tiện lợi cho ngư dân và người dân vùng hạn mặn.

Giải pháp này sẽ rất hữu ích cho ngư dân và vùng chịu xâm nhập mặn. Ảnh: Người dân chờ lấy nước ngọt ở Tiền Giang. Nguồn: Tuổi trẻ.
Giải pháp này sẽ rất hữu ích cho ngư dân và vùng chịu xâm nhập mặn. Ảnh: Người dân chờ lấy nước ngọt ở Tiền Giang. Nguồn: Tuổi trẻ.

Việc khử nước mặn thành nước ngọt không phải là điều hiếm hoi trên thế giới, tuy nhiên, các công nghệ chưng cất và công nghệ màng phổ biến hiện nay vẫn tiêu thụ năng lượng lớn và chi phí xây dựng, vận hành cao, không xử lý được nước muối có độ mặn cao. Và đặc biệt là hầu hết các công nghệ hiện đại này không “bao phủ” được tới những ngư dân nghèo. Hệ thống chưng cất màng (MD) màng kỵ nước được làm từ vật liệu Polytetrafluoroethylene (PTFE) có nhiều ưu điểm như cần ít diện tích, giá thành thấp, lắp đặt dễ dàng, tiêu thụ năng lượng ít và có khả năng loại bỏ gần như 100% các ion và chất hữu cơ không bay hơi.

Các kết quả xét nghiệm nước đầu ra cho thấy màng lọc ngăn được các chất rắn, ngăn vi khuẩn và làm sạch muối biển, độ mặn của nước đầu ra bằng 0. Sau một thời gian lọc hơi nước biển, màng MD sẽ bị bám cặn muối trắng thì chỉ cần rửa sạch và để khô tự nhiên trong hai ngày, sau đó tiếp tục tái sử dụng.