Sáng 28/2, tại ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức tọa đàm giới thiệu Chương trình VNU350 với mục tiêu tuyển được 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành.


Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM được thành lập tháng 1.1995 và chính thức ra mắt vào tháng 2.1996, được xây dựng trên diện tích 643,7ha thuộc TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Dĩ An (Bình Dương).
ĐH Quốc gia TPHCM chính thức ra mắt vào đầu năm 1996, được xây dựng trên diện tích gần 645 ha thuộc TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: laodong.vn

Trong đợt tuyển dụng đầu tiên của năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tuyển 65 người, làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian hai năm đầu công tác được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C, kinh phí tối đa 200 triệu đồng. Năm thứ ba được cấp một đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp Nhà nước.

Nhà khoa học đầu ngành trong thời gian hai năm đầu công tác được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; được hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn được hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị - nơi nhà khoa học công tác, gồm: lương, thưởng, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, nghiên cứu khoa học, khen thưởng đột xuất…

Đây là chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐH Quốc gia TPHCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á.

Bài đăng số 1281 (số 9/2024) KH&PT