Tuần rồi, khi mà Tiki thông báo hoàn tất việc mua lại Ticketbox, và FastGo ký kết hợp tác chiến lược với Vinfast, thêm dư âm của Swift247 ngồi ngang hàng với VietJet Air, là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc khởi nghiệp đã thực sự lớn, và bắt đầu chơi những cuộc chơi lớn.

Ông Võ Quang Huệ (trái) và ông Nguyễn Hữu Tuất
Ông Võ Quang Huệ (trái) và ông Nguyễn Hữu Tuất

Lợi nhiều bên

Tôi thích nhìn cảnh ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đứng bắt tay ông Nguyễn Hữu Tuất – Sáng lập và Chủ tịch HĐQT FastGo. Cái cảnh này, thú vị vô cùng: Một người từng trải mọi vị trí lãnh đạo cao cấp của những tập đoàn hàng đầu thế giới, giờ về làm cho một tập đoàn Việt Nam, đứng với một “chàng trai khởi nghiệp”. Nghe có gì đó lạ, và không thường thấy mấy. FastGo mới ra đời chưa lâu, cũng “na ná” như những ứng dụng gọi xe chia sẻ khác, nhưng đã có những bước đi rất nhanh, và cái hợp tác lớn này như một dấu mốc khẳng định độ trưởng thành của startup này, bức ra khỏi nhóm những “doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng”, để thực sự chứng minh sức sống của nền kinh tế sáng tạo.

Ông Tuất bảo: “Đây là một mô hình hợp tác kinh doanh đột phá và đầu tiên trên thế giới, giữa một đơn vị sản xuất xe ô tô trực tiếp với một công ty Startup về công nghệ, mở ra một kênh phân phối sản phẩm và dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Việc hợp tác với VinGroup giúp FastGo tạo ra sự khác biệt trên thị trường gọi xe, FastGo cam kết về dòng xe hoàn toàn mới và đảm bảo trải nghiệm dịch vụ tốt nhất tới các khách hàng trong hệ sinh thái VinGroup nói riêng và khách hàng trên toàn quốc nói chung. Đây là một dự án phi lợi nhuận mang lại những giá trị vững bền cho người Việt”.

Có lẽ, hợp tác này sẽ mang lại ích lợi cho nhiều bên. Bên sản xuất xe bán sỉ được nhiều xe, bên ứng dụng có một thứ vũ khí cạnh tranh mới trên thị trường. Phần còn lại, là sự… tỉnh táo của các tài xế, khi phải làm bài toán tài chính mua xe, thuê xe sau thương vụ này. Hi vọng là những nhà làm ăn lớn, tài chính giỏi, có thể giúp tài xế giải bài toán này, nếu không thì… tội nghiệp những “doanh nhân một mình” trong thời buổi kinh tế chia sẻ hiện nay.

Và chuyện “anh cả”

Ngày 2/8/2019, Tiki Investment - một công ty con của trang thương mại điện tử Tiki - đã hoàn tất việc mua lại 100% vốn của công ty bán vé sự kiện trực tuyến Ticket Box, với động thái sẽ trở thành một cổng thương mại điện tử “tất cả trong một”. Tiki Investment hiện có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, được thành lập vào cuối năm 2018. Vào cuối tháng 7, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng đã tiếp quản vị trí CEO của TicketBox thay ông Trần Tuấn Anh.

Thật ra, vụ “thâu tóm” này không quá bất ngờ với người trong nghề. Vì từ một trang thương mại điện tử được lập ra để bán… sách, vốn là lợi thế cạnh tranh mà ông Sơn Tiki có được khi là đồng sáng lập trang VinaBook thuở xưa, nhưng đã lựa một cái tên rất trung dung, chừa đường phát triển rộng hơn về sau. Đa dạng hóa mặt hàng từ sách sang đủ mọi thứ trên đời, Tiki sở hữu hệ thống kho vận khá hiện đại so với mặt bằng chung của thị trường, và từng bước trở thành market place, nơi mà những nhà cung cấp khác nhau có thể dựa vào platform này để kinh doanh. Và từ khá lâu, Tiki đã có những bước đi đầu tiên tham gia lĩnh vực giải trí. Vậy nên, muốn phát triển nhanh hơn cho kịp “tốc độ của nhà đầu tư mong đợi”, thì mua lại TicketBox - công ty bán vé sự kiện trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, là một lựa chọn dễ hiểu.

Vụ mua bán giữa hai công ty khởi nghiệp này, được nhiều người quan tâm, có lẽ là vì độ… quen biết của hai startup đời đầu tiên của Việt Nam. Thực ra, M&A trong khởi nghiệp không phải là chuyện lạ, nhưng mua hết, và thay luôn CEO là một bước đi hấp dẫn, chứng minh rằng khởi nghiệp đã chuyển từ những dự án công nghệ vui tươi trở thành những “tập đoàn” thực sự, và đi những bước chiến lược không thua sút gì các ông anh lớn trong ngành.

Và nó sẽ là một tín hiệu tích cực để nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều hơn đến thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Và hứa hẹn bắt đầu một “làn sóng M&A startup” sẽ trỗi dậy.