Cổng thông tin với các ứng dụng trên nền tảng PC, thiết bị di động nhằm cung cấp dịch vụ thông tin và kết nối các phòng thí nghiệm, thử nghiệm ở Việt Nam đang được xây dựng trong một đề tài cấp Bộ.
Đó là đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin và các ứng dụng trên nền tảng công nghệ web, thiết bị di động về các phòng thí nghiệm và thử nghiệm Việt Nam “ (Labnet) do ông Vương Đức Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ nhiệm.
Tại Hội thảo “Giới thiệu hệ thống thông tin Labnet vào hoạt động của các phòng thí nghiệm, thử nghiệm” do Cục Công tác phía Nam tổ chức ngày 8/5 tại TPHCM, ông Vương Đức Tuấn cho biết, đề tài được thực hiện nhằm đề xuất mô hình hợp tác trao đổi thông tin giữa các phòng thí nghiệm, thử nghiệm.
Hiện nay, tại địa chỉ
http://www.labnet.vn, người dùng được cung cấp thông tin về năng lực của 50 phòng
thí nghiệm, thử nghiệm và công cụ tra cứu.
Các phòng thí nghiệm, thử nghiệm kết nối với Labnet theo hai cấp độ. Cấp độ1 (kết nối sơ cấp): cung cấp, trao đổi thông tin về năng lực và các dịch vụ của từng phòng thí nghiệm, thử nghiệm. Mỗi phòng thí nghiệm, thử nghiệm sẽ được cung cấp 1 trang thông tin riêng, cho phép cập nhật trực tuyến và giới thiệu thông tin về mình như tên, logo, thông tin liên lạc, chứng nhận hợp chuẩn/chất lượng, các dự án đã thực hiện,… Cấp độ 2 (kết nối trung cấp): cung cấp công cụ tra cứu, so sánh cho người dùng.
Giai đoạn kế tiếp, Labnet tạo tiền đề để mở rộng sang kết nối cao cấp giữa người dùng, phòng thí nghiệm và quản lý hoạt động. Mục tiêu của các kết nối này nhằm quản lý tự động việc khách hàng đặt yêu cầu sử dụng dịch vụ, chuyển dịch vụ đến các bộ phận xử lý, thanh toán, trả kết quả, đánh giá phản hồi và xếp hạng dịch vụ từ khách hàng.
Labnet cũng sẽ xây dựng phiên bản tiếng Anh và kết nối với thị trường nước ngoài.
Ông Tuấn cho biết thêm, tất cả các phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên cả nước đều có thể tham gia Labnet mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào. Dự kiến, đến đầu tháng 7/2018, mỗi một phòng thí nghiệm, thử nghiệm sẽ được cũng cấp một mật khẩu để có thể tự nhập dữ liệu của mình lên hệ thống. “Nhóm nghiên cứu tiếp tục nhận những ý kiến đóng góp của các phòng thí nghiệm, thử nghiệm để trang thông tin hoàn thiện hơn và hoạt động có hiệu quả” – ông Tuấn nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù khuyến khích tất cả các phòng thí nghiệm, thử nghiệm tham gia, nhưng Labnet cần phải kiểm soát thông tin. Đồng thời, Labnet nên thêm một số thông tin khác như danh sách mới, đánh giá định kỳ hàng năm của các phòng thí nghiệm, thử nghiệm;…
Hội thảo cũng đã tập huấn cho các đại biểu sử dụng Labnet; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động của các phòng thí nghiệm, thử nghiệm tại một số doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu.
LABNET được xây dựng nhằm một số mục tiêu chính:
- Giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin về các phòng thí nghiệm/thử nghiệm, các đánh giá về uy tín và năng lực phòng thí nghiệm/thử nghiệm, qua đó có cơ sở để lựa chọn đơn vị có đủ năng lực và thích hợp với nhu cầu của mình;
- Người sử dụng được tư vấn trực tiếp từ các phòng thí nghiệm/ phòng thử nghiệm, tránh được các chi phí phát sinh hoặc các thiệt hại cho người sử dụng do thiếu thông tin hoặc do thông tin sai lệch gây ra;
- Theo dõi trực tuyến thông tin quá trình kiểm định - thử nghiệm của mình giúp người sử dụng chủ động trong kế hoạch kinh doanh;
- Giúp các đơn vị trong cùng chuyên ngành và lĩnh vực có thể liên kết và hỗ trợ lẫn nhau về dịch vụ, nhân sự, trang thiết bị…, qua đó quản lý và khai thác hiệu quả phòng thí nghiệm và phòng thử nghiệm...
(Theo ttp://www.labnet.vn)
|