Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán đối với những trường hợp nghi nhiễm COVID-19, phác đồ điều trị và điều kiện xuất viện đối với bệnh nhân. Theo đó, Bộ Y tế chưa khuyến cáo sử dụng các thuốc như Chloroquine, Remdesivir, Ribavirin do bằng chứng về hiệu quả và tính an toàn còn hạn chế.
Hướng dẫn mới này ban hành ở Quyết định Số 1344/QĐ-BYT, thay thế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) ban hành tại Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các bác sĩ trong phòng cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 7 năm 2019. Ảnh của VnExpress/ Giang Huy.
Trường hợp nào nghi nhiễm COVID-19?
Theo hướng dẫn mới, có hai trường hợp bệnh nghi ngờ. Thứ nhất là người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính và không lý giải được bằng các căn nguyên khác và/hoặc có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Trường hợp nghi ngờ thứ hai là người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Người bệnh được xác định nhiễm COVID-19 chỉ khi đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (bằng kỹ thuật Real-Time RT-PCR hoặc giải trình tự gene từ các mẫu bệnh phẩm) được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Điều trị
Các ca bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu) cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.
Ca bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn, trong đó: Ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các phòng điều trị nội trú thông thường; Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) cần được điều trị tại phòng cấp cứu của các khoa hoặc khoa hồi sức tích cực; Ca bệnh nặng-nguy kịch (suy hô hấp nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực.
Trong thời gian điều trị theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh (sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của X-quang phổi) để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng, tiến triển nặng của bệnh. Các ca bệnh nặng ở nước ta trong thời gian qua đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.
Do chưa có thuốc đặc hiệu, bệnh nhân COVID-19 vẫn được điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập, chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát.
Bộ Y tế chưa khuyến cáo sử dụng các thuốc điều trị kháng virus đặc hiệu cho SARS-CoV-2 do bằng chứng về hiệu quả, tính an toàn của các thuốc kháng virus ức chế sao chép ngược (Antiretroviral hay ARV) và các thuốc kháng vi rút khác (như Chloroquine/ Hydroxychloroquine, Remdesivir, Ribavirin) còn hạn chế. Bộ Y tế sẽ đưa ra khuyến cáo sau khi xem xét kết quả các thử nghiệm lâm sàng của những thuốc này trên thế giới và ở Việt Nam.
Điều kiện xuất viện
Người bệnh được xuất viện khi có đủ ba tiêu chuẩn sau: (i) Hết sốt ít nhất 3 ngày; (ii) Các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện; (ii) Có ít nhất hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu và họng), lấy mẫu cách nhau ≥ 24 giờ, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Người bệnh tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày sau khi ra viện, nên được ở trong phòng riêng thông thoáng, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, ăn riêng, hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình.
Người bệnh theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 37,5ºc ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.