Vì đây là câu chuyện của sự liên kết của mọi người, mọi nơi, mọi nguồn lực trên thế giới vì một mục tiêu chung: tôn vinh giá trị của con người.


Một bức ảnh đăng trên trang Thai NAVY Seal: Mang những chú lợn hoang về nhà.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, chúng tôi tin rằng, tất cả các cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng trẻ Thái Lan đang được hồi phục một cách tốt nhất. Nhưng những gì đã diễn ra trong hai tuần qua, sẽ là một câu chuyện còn nhắc đến mãi. Nói như nhà văn Mỹ Jay Parini trên CNN: “Vì sao không thể ngừng theo dõi “điệp vụ” giải cứu hang động Thái Lan?”. Vì đây là câu chuyện của sự liên kết của mọi người, mọi nơi, mọi nguồn lực trên thế giới vì một mục tiêu chung: tôn vinh giá trị của con người.

Thế giới phẳng

Jay Parini, nhà thơ, nhà văn – tác giả tập sách bán chạy nhất thế giới mang tên "The Way of Jesus: Living a Spiritual and Ethical Life" (tạm dịch: Con đường của Chúa: Sống đời tâm linh và đạo đức” đã phát hiện ra hai điều đặc biệt của cuộc giải cứu này: không có một quốc kỳ của quốc gia nào được choàng lên vai những người giải cứu, và không ai ngồi đong đếm chuyện tiền bạc của cuộc cứu nạn có lẽ là tốn kém bậc nhất hành tinh này. Ông bảo: “Tất cả cặp mắt của mọi người đều dõi theo những chuyển động nhỏ nhất ở Thái Lan. Trái tim của chúng ta theo sát những người thợ lặn dũng cảm đang mạo hiểm tính mạng để cứu những cầu thủ trẻ và huấn luyện viên đang mắc kẹt dưới hang sâu hơn 10 ngày qua. Họ không chỉ là những người dũng cảm, mà còn sở hữu những kỹ năng tuyệt vời…”.
Sự tham gia ngày càng đông của các kỹ sư, chiến lược gia quân sự, thợ lặn và chuyên gia hang động đến từ Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trở thành một sự liên hiệp quốc tế đặc biệt: không ai tìm hiểu động cơ, không ai tranh giành hào quang, và mọi người tự khắc phối hợp với nhau nhịp nhàng, dù rào cản ngôn ngữ vẫn còn đó. Quốc tịch, màu da, tôn giáo, và cả ngành nghề, đều không còn giá trị gì trong lòng hang sâu. Họ chấp nhận nhau, chấp nhận sự chỉ huy của một đồng nghiệp người Thái trong cuộc giải cứu này, vì biết rằng mỗi giây trôi qua là một cơ hội đang mất đi.

Một chuyện thú vị, là khi “truy dấu” Elon Musk – ông chủ của hãng hàng không vũ trụ, hãng xe hơi thế hệ mới và hãng đào hầm lớn nhất thế giới, thì thấy ông dồn toàn bộ tâm trí và sức lực để chỉ đạo toàn bộ đội ngũ và nguồn lực của mình cho cuộc cứu nạn. Elon Musk không rảnh, ông đang đứng trước rất nhiều chuyện đau đầu của việc kinh doanh, khi mà việc sản xuất xe Tesla đang rất không thuận lợi. Ông thậm chí còn phải ngủ ở nhà máy sản xuất để đôn đốc công việc và ra những quyết định tức thời. Nhưng ông dành trọn tâm trí mình cho “điệp vụ” này.

Mỗi ngày, Elon Musk đăng khoảng 3 đến 4 tin cập nhật trên tài khoản Twitter của mình, đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Ông sở hữu hệ thống thông tin vũ trụ hoàn hảo, lại cũng sở hữu công nghệ đào hầm tốt nhất thế giới. Nhưng cả hai chưa đủ, đội ngũ kỹ sư của ông lại ráo riết thi công một thiết bị cứu hộ chưa từng có và liên tục thử nghiệm tại hồ bơi với các cháu nhỏ người Mỹ.

Ông bảo: “Hi vọng có thể giúp đợt này. Nếu không thì nó cũng sẽ có ích trong tương lai”.

Những người anh hùng mới
Nếu thử nghiệm với hashtag #wildboars (những chú lợn hoang – tên của đội bóng này) trên Facebook, sẽ rất bất ngờ khi thấy số lượng người chia sẻ thông tin, bình luận là vô cùng khổng lồ. Từ những ngày đầu, người ta còn chia sẻ những thông tin chính thống từ báo BangkokPost, đến khi CNN vào cuộc, theo sát từng chuyển động thì những nhân vật có tiếng trong làng quân sự đang sinh sống tại Thái Lan có lượt chia sẻ thông tin đột biến. Họ nhận tin, chia sẻ, và đưa ra những nhận định chuyên môn cao của mình.

Nhà báo chuyên viết ký sự đường dài Binh Nguyên viết: “Theo chuyên gia Ủy ban Giải cứu Hang động Mỹ, lựa chọn an toàn nhất là để đội bóng và HLV trong hang, chính là cung cấp thực phẩm và thuốc men cho họ cho tới khi mực nước hạ xuống. Được biết, các nhà chức trách Thái Lan đã chuẩn bị lượng thực phẩm, nước uống đủ dùng trong 4 tháng, thời điểm nước trong hang rút hoàn toàn. Và câu chuyện này cũng làm tôi nhớ tới những lần đi hang Quảng Bình, mà lần đầu tiên là vào năm 1993 với giáo sư Nguyễn Quang Mỹ, bậc thầy về nghiên cứu hang động của Việt Nam, và cả những chuyến đi hang sau này, những lúc nằm trong bóng tối vĩnh cửu tôi luôn tự hỏi, nếu có bất trắc gì thì bao lâu mới có người tìm tới giải cứu, liệu mình có thể chịu đựng được bao lâu trong hang tối vĩnh cửu không có khái niệm ngày và đêm giữa cái chết và sự sống? Thế giới hang động như một thế giới khác, nó có thể là thiên đường tuyệt mỹ với người này nhưng là địa ngục u ám với người khác”.

Huấn luyện viên Jurgen Klopp của Liverpool - câu lạc bộ bóng đá Anh có rất đông người hâm mộ ở Thái Lan - đã gửi slogan nổi tiếng của câu lạc bộ tới đội bóng nhí Thái Lan đang còn kẹt chín người trong hang: “You’ll never walk alone” - “Hãy mạnh mẽ và biết rằng chúng tôi luôn ở bên các bạn. Chúng tôi đang theo dõi tất cả các tin tức và từng giây, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng bên ngoài. Chúng tôi rất lạc quan rằng điều kỳ diệu sẽ sớm xảy ra”.

Chưa bao giờ, các kiến thức về cứu hộ, cứu nạn và kiến thức thám hiểm, kiến thức địa lý và cả các thông tin về thời tiết được nhiều người quan tâm đến vậy. CNN còn làm hẳn một chuyên đề kéo dài để phổ cập kiến thức về tự nhiên cho mọi người. Các cơ quan chuyên về hang động, thám hiểm cũng vào cuộc với các thông tin nghề nghiệp.

Và thú vị nhất, có lẽ là phong trào vẽ tranh ủng hộ những người giải cứu. Những thợ lặn được mô tả như những anh hùng, những siêu nhân thời kỳ mới. Và nói như một thầy giáo ở miền Trung: “Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận, công nghệ cao không phải là tất cả. Chúng ta vẫn phải sống tựa vào thiên nhiên, hiểu biết về thiên nhiên và rèn luyện bản thân mình để sống tốt với thiên nhiên”.