Doanh nghiệp phần mềm này đang hân hoan vui mừng về thành tựu đối với các giải pháp điện toán đám mây. Khác với các đối thủ cạnh tranh về công nghệ, tập đoàn chú trọng nhiều về quan hệ với các đối tác trong đó có cả các doanh nghiệp Đức.
Microsoft đã quay trở lại. Nhiều năm liền Microsoft, vốn là tập đoàn IT hàng đầu của Hoa kỳ, đi sau các đối thủ mới nổi cũng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên hiện tại niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp có giá trị trên 850 tỷ đô la – và thậm chí đã qua mặt tập đoàn mẹ của Google, Alphabet.
Sự trở lại diễn ra khá lặng lẽ. Trong khi Google hay Amazon hùng hổ tấn công vào các thị trường mới để bành trướng thì ông Satya Nadella, Tổng giám đốc Microsoft, cùng các nhà quản lý hàng đầu của mình lại theo đuổi một chiến lược khác: “Điều quan trọng là: chúng tôi là đối tác của các doanh nghiệp chứ không phải là đối thủ cạnh tranh”, giám đốc tiêu thụ Jean-Philippe Courtois trả lời trong một cuộc phỏng vấn, “Chúng tôi không có ý định tấn công vào thị trường năng lượng, chế tạo ô tô hay tham gia tích cực vào việc buôn bán dược phẩm”.
Mới đây Microsoft cùng với Eon đã phát triển một hệ thống quản lý năng lượng mới. BMW hay Volkswagen, Shell và Walmart đều là đối tác công nghiệp của Microsoft, tại hội nghị giữa các chuyên gia phát triển mới đây Microsoft đã tự hào giới thiệu về Ignite.
Tập đoàn phần mềm với hệ điều hành Windows đã trở thành một gã khổng lồ toàn cầu có ý định tạo nền tảng cho thế giới mạng. “Vai trò của chúng tôi là cơ sở để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Chỉ với những công việc đó chúng tôi cũng thả sức thu hoạch rồi”, Courtois giải thích, “Chúng tôi không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm cho khách hàng cuối cùng”. Đây là một cú “hích cùi chỏ” dành cho Amazon và Google, các tập đoàn này kinh doanh các cửa hàng online và phát triển xe ô tô tự lái.
Các chuyên gia phân tích tin vào con đường của Microsoft. Chậm nhất đến năm 2020 vốn hoá trên thị trường chứng khoán sẽ vượt mức nghìn tỷ đôla, Kirk Materne thuộc Evercore ISI tiên đoán. Có thể còn vượt cả Google.
Các giám đốc tiêu thụ vủa Microsoft và Eon, Jean-Philippe Courtois và Karsten Wildberger, nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc số hoá thị trường năng lượng – và muốn cùng nhau chiếm lĩnh thị trường này. Sự hợp tác này là một ví dụ điển hình cho chiến lược bành trướng của tập đoànSoftware Hoa kỳ. Các quản lý cấp cao giải thích trong cuộc phỏng vấn vì sao cả hai bên đều hưởng lợi.
Cách đây hai tuần Microsoft đã tổ chức một trong những hội nghị lớn nhất thế giới dành cho các nhà phát triển và cho các chuyên gia IT. Tại hội nghị này vị chủ tịch tập đoàn Satya Nadella đã giới thiệu về “Microsoft Ignite” trước 30.000 người tham dự, ông cũng đã đề cập trong diễn văn khai mạc sự hợp tác với tập đoàn năng lượng Đức Eon.
Hai doanh nghiệp này đã phát triển một hệ thống quản lý năng lượng – một giải pháp về phần mềm, có thể điều khiển tập trung mọi nguồn sản xuất và tiêu thụ điện trong một toà nhà:từ lò suỏi, điều hoà nhiệt độ, máy giặt cho đến mái nhà điện mặt trời, pin tích điện và cả hệ thống nạp điện cho ô tô chạy điện.
Mấy ngày sau đó các vị trong ban lãnh đạo khâu tiêu thụ của cae Eon và Microsoft Karsten Wildberger và Jean-Philippe Courtois đã tiếp nhà báo của Handelsblatt tại và giải thích tại sao họ tin chắc sẽ có một sự đột phá về Smart Home và vì sao sự hợp tác này sẽ là mô hình thành công trong số hoá.
Eon và Microsoft là đối tác làm ăn, Karsten Wildberger (phải) giám đốc tiêu thụ của Eon và Jean-Philippe Courtois (trái) giám đốc tiêu thụ của Microsoft
Mời các bạn đọc toàn văn cuộc trả lời phỏng vấn của Jean-Philippe Courtois và Karsten Wildberger.
Thưa hai ông Courtois và Wildberger, xin hỏi nơi ở của hai ông đã là nhà thông minh chưa?
Wildberger: Tôi sống trong ngôi nhà đã 140 năm tuổi. Trong một số căn phòng thì nhiệt độ và ánh sáng đã được điều khiển bằng smartphone. Âm nhạc, phim và nội dung lấy từ đám mây tôi đã sử dụng từ nhiều năm nay. Trong năm tới dứt khoát tôi sẽ lắp đặt hệ thống năng lượng mới.
Courtois: Trong căn nhà của tôi có một số cảm biến, chúng có thể đo nhiệt độ. Home Entertainment thì tôi điều khiển bằng kỹ thuật số, xem phim và nghe nhạc tôi lấy từ smartphone. Tuy nhiên tôi chưa có một hệ thống quản lý năng lượng hoàn chỉnh.
Điều đó cho thấy các vị là điển hình cho hiện trạng thị trường nhà thông minh: Cho đến nay chưa có được sự đột phá. Vậy tại sao giờ lại cần có sự thay đổi?
Courtois: giờ đây cùng lúc đã diễn ra một số vấn đề. Thứ nhất người tiêu dùng ngày càng cởi mở hơn đối với các sản phẩm kỹ thuật số. Thứ hai đã có những tiến bộ về công nghệ như đám mây và Internet vạn vật. Thứ ba chúng tôi hy vọng sẽ có được một sú hích từ đối tác của mình. Eon có sự hiểu biết tốt nhất về quản lý năng lượng đối với toà nhà. Microsoft có chuyên môn về kỹ thuật, thí dụ đối với trí tuệ nhân tạo, nhờ đó Eon có thể đề xuất vấn đề này. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, thời gian đã chín muồi.
Ngôi nhà tương lai sẽ có hình hài như thế nào?
Wildberger: Smart Home là một khái niệm rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Chúng tôi cung cấp những cái mà chúng tôi hiểu rõ và có thể làm tốt nhất: với hệ thống quản lý năng lượng khách hàng có thể từ một nguồn nắm bắt và điều khiển từ trung tâm mọi thiết bị liên quan đến tiêu thụ và sản xuất năng lượng, từ lò sưởi cho tới thiết bị điện mặt trời đặt trên mái nhà và hệ thống pin tích điện ở tầng hầm. Ngay cả ô tô điện cũng được tích hợp. Tôi nghĩ nay mai khi ai đó làm một ngôi nhà thì việc điều khiển mạng lưới năng lượng từ trung tâm sẽ là một tiêu chí không thể thiếu tương tự như hiện nay làm hệ thống sưởi trung tâm cho ngôi nhà vậy.
Làm thế nào để có thể thuyết phục khách hàng về các sản phẩm nhà thông minh? Thông qua sự tiết kiệm mà họ có thể thu được hay các tiện nghi?
Wildberger: tất nhiên với một hệ thống như vậy có thể đạt được cả hai: giảm chi phí năng lượng và tăng tiện nghi. Khía cạnh cảm xúc cũng rất quan trọng, con người muốn không bị phụ thuộc. Nhu cầu cao đối với hệ thống điện mặt trời hay hệ thống pin tích điện là một ví dụ. Nhiều hộ gia đình hiện nay đã tự làm ra điện. Giờ đây họ muốn có thể kiểm soát nhiều hơn, thí dụ điện đã được tiêu thụ như thế nào và vào lúc nào.
Thưa ông Microsoft có vai trò gì trong thị trường nhà thông minh? Ông có ý định dùng trợ lý Cortana để tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tương tự như Amazon với Alexa?
Courtois: Vai trò của chúng tôi là giúp các doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Điều đó cũng đủ để chúng tôi có thu nhập. Chúng tôi không bắt buộc phải làm ra sản phẩm dành cho khách hàng cuối cùng. Trong chiến lược doanh nghiệp hiện đại thì chuyển đổi kỹ thuật số đứng ở vị trí trung tâm. Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường IDC ước tính: đến năm 2021 ít nhất một nửa giá trị gia tăng toàn cầu được số hoá, và đến 2020 sẽ có khoảng 60% doanh nghiệp triển khai chuyển đổi kỹ thuật số trên nền tảng chiến lược của doanh nghiệp.
Và với chiến lược đó Microsoft có thể có doanh thu?
Courtois: Chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra trên nhiều cấp độ. Đầu tiên doanh nghiệp phải thu hút được sự tham gia của cán bộ nhân viên. Doanh nghiệp phải hướng văn hoá doanh nghiệp theo xu hướng đó. Thứ hai công tác tổ chức phải được số hoá, các quy trình phải trở thành số. Thứ ba là cải thiện hành trình của khách hàng, sự tiếp cận và phục vụ khách hang. Thư tư là phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số mới. Có nhiều lĩnh vực để Microsoft có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng kinh doanh kỹ thuật số với các sản phẩm của chúng tôi.
Không có ngành thứ hai nào như ngành năng lượng đang trong quá trình chuyển đổi. Vậy số hoá ở đây quan trọng như thế nào?
Wildberger: Chuyển đổi năng lượng không thể thiếu công nghệ. Việc tạo ra năng lượng sẽ ngày càng sạch hơn và phi tập trung hoá, đồng thời ngày càng có nhiều thiết bị cần có điện để hoạt động. Vấn đề quản lý sẽ ngày càng phức tạp hơn. Các hộ tư nhân sẽ tự tạo ra ngày càng nhiều điện hơn. Để sắp xếp bố trí hệ thống phi tập trung và thiếu ổn định này trong thời gian thực chúng ta cần phải có số hoá. Đồng thời cũng luôn xuất hiện các điều kiện mới về những gì mà người ta có thể làm với năng lượng. Xin các vị hãy nghĩ tới pin tích điện hay ô tô điện. Chúng ta sẽ làm cho chúng thông minh đến mức những người sở hữu chúng có thể tham gia vào thị trường điện.
Ông có đủ chuyên gia IT, những người thực sự am hiểu về trí tuệ nhân tạo?
Wildberger: Trong đội ngũ của chúng tôi có các nhà khoa học dữ liệu nắm bắt nhiều bí quyết – nhưng không tập đoàn nào có thể nói mình có đủ chuyên gia. Nhu cầu đối với chuyên gia ngày một tăng. Chính vì thế khâu đối tác rất quan trọng, chúng tôi không bao giờ cho rằng chúng tôi có thể làm mọi thứ. Sự hợp tác với doanh nghiệp phần mềm lớn nhất thế giới là một cơ hội tuyệt vời đối với chúng tôi. Chúng tôi có thể tận dụng khả năng của Microsoft, ví như đối với các dịch vụ điện toán đám mây hay vấn đề bảo mật. Sự hợp tác này cũng giúp chúng tôi mở rộng tầm mắt vượt ra khỏi lĩnh vực kinh doanh của mình vì Microsoft luôn tư duy toàn cầu.
Eon xử dụng nền tảng Microsoft Azure. VW mới đây cũng tuyên bố về một sự hợp tác. Thưa ông các đối tác có vai trò như thế nào về điện toán đám mây đối với Microsoft?
Courtois: chúng tôi muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp như Eon hay VW phát triển các mô hình kinh doanh mới. Chúng tôi tìm cách cùng học với khách hàng để tìm hiểu một ngành hoạt động như thế nào, và để rồi giới thiệu với họ các giải pháp tốt nhất.
Thưa ông, các hãng công nghệ khác như Amazon và Google thâm nhập các thị trường mới, để cạnh tranh với các doanh nghiệp đã trụ vững trên các thị trường đó. Như vậy là Microsoft đi một con đường khác?
Courtois: Cách đây ít năm ban lãnh đạo Microsoft đã có một quyết định rất rõ ràng: Microsoft là một doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp khác tiến hành thành công quá trình chuyển đổi số. Để đạt được điều đó chúng tôi đã đầu tư vào lĩnh vực này gần 15 tỷ đôla. Sự minh bạch, rõ ràng này giúp chúng tôi có quan hệ đối tác mạnh mẽ với khách hàng.
Ông không muốn cạnh tranh với khách hàng của mình – phải chăng điều này cũng có nghĩa các vị chỉ làm việc với một nhà cung cấp năng lượng?
Courtois: Eon có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng về chuyển đổi kỹ thuật số, và chúng tôi muốn giúp tập đoàn này thực hiện điều đó. Liệu có các nhà cung cấp năng lượng khác cũng muốn làm điều này? Rất có thể – những doanh nghiệp này có thể làm cho thị trường phong phú hơn thông qua các ý tưởng và sức mạnh của họ. Điều quan trọng là: chúng tôi là đối tác của doanh nghiệp như Eon, không phải là đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi không có ý định tấn công vào thị trường năng lượng, làm ô tô hay tích cực tham gia thị trường dược phẩm. Các đối tác của chúng tôi biết điều đó vì sao họ đến với chúng tôi.
Nhiều người lo lắng vì dữ liệu của họ – nhất là trong việc nối mạng
Wildberger: Bảo vệ dữ liệu và bảo mật dữ liệu là vấn đề trọng tâm! Khách hàng cần tin tưởng tối đa rằng dữ liệu của họ được bảo vệ. Khách hàng phải và sẽ giữ chủ quyền về dữ liệu của bản thân họ.
Thời gian gần đây Microsoft coi điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo là vấn đề trọng tâm. Điều này có ý nghĩa như thế nào với việc bán hàng?
Courtois: Hiện đang diễn ra một sự thay đổi mạnh mẽ và quá trình này chưa đến hồi kết. Sự thành công của khách hàng qua việc sử dụng dịch vụ của chúng tôi được coi là vấn đề trọng tâm – điều này hoàn toàn khác với việc vài năm chúng tôi lại bán một gói phần mềm cho khách hàng. Chúng tôi muốn liên tục làm ra tiền từ thành công mỗi ngày.
Xin ông cho một ví dụ?
Courtois: Ví dụ chúng tôi tạo ra một vai trò mới về kỹ thuật: một mặt cho các nhà phát triển, những người am hiểu về từng lĩnh vực, mặt khác cho những người chuyên môn hoá về những chủ đề kỹ thuật nhất định, như IoT hay trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi cũng lập ra một đơn vị tổ chức mới, đó là Customer Success Unit. ở đây đội ngũ của chúng tôi làm việc rất mật thiết với khách hàng, để giúp họ khai thác tốt nhất những lợi ích khi họ xử dụng công nghệ của Microsoft. Thí dụ ở đây chúng tôi tổ chức các Hackathons, để cùng khách hàng phát triển các ý tưởng hoặc cùng nhau thúc đẩy các dự án cụ thể.
… có nghĩa là cùng nhau tập trung hành động đối với các dự án. Vậy thị trường năng lượng chỉ là một trong những hay là một thị trường đặc biệt?
Courtois: Đây là một thị trường hết sức sôi động. Ở đây hình thành nhiều nhu cầu mứi của khách hàng và các công nghệ mới để phục vụ các nhu cầu đó. Giờ đây khách hàng không chỉ tiêu thụ năng lượng, khách hàng còn có thể tự sản xuất ra năng lượng. Thậm chí khách hàng có thể bán số năng lượng dư thừa ra thị trường. Như thế có nghĩa là trên thị trường năng lượng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới.
Thưa ông phải chăng điều này làm Eon đi đến quyết định chọn Microsoft?
Wildberger: Điều quan trọng trong mọi trường hợp là quan hệ đối tác trong làm ăn phải thể hiện ở một niềm tin chung và có một giá trị chung. Đối với chúng tôi điều luôn được chú ý là lợi ích khách hàng và sự an toàn đối với khách hàng. Một vấn đề cũng có vai trò nhất định là trong quan hệ đối tác cần có sự thực dụng và sự hợp tác phải diễn ra một cách đơn giản và thoải mái. Trong trường hợp của chúng tôi điều này đã diễn ra ngay từ đầu và ở mọi cấp độ. Ngoài ra quan hệ đối tác của chúng tôi còn có thêm tiềm năng thí dụ trong lĩnh vực về các giải pháp năng lượng cho khách hàng công nghiệp và khách hàng trong kinh doanh hoặc trong lĩnh vực kinh doanh mạng quan trọng của chúng tôi.
Và với Microsoft?
Courtois: Chúng tôi được lợi ở chỗ, trong ngành năng lượng Eon là ‚người tiếp nhận sớm dịch vụ đám mây và IoT của chúng tôi. Ngoài ra trong quá trình hợp tác này chúng tôi cũng học được nhiều về các thách thức toàn cầu đối với ngành năng lượng và cùng nhau tìm giải pháp để khắc phục các thách thức đó.
Thưa ông, những ngành nào được Microsoft còn coi là quan trọng?
Courtois: Chuyển đổi kỹ thuật số làm đảo lộn bất cứ ngành nào. Thí dụ ngành công nghiệp tài chính: hàng tuần chúng tôi đều có việc với nhà băng và hãng bảo hiểm lớn, thế giới của các hãng đó cũng đang thay đổi. Và tất nhiên cả lĩnh vực thương mại. Cách đây ít tháng chúng tôi đã tuyên bố về quan hệ đối tác lớn với Walmart, Amazon coi đây là một sự đe doạ. Chúng tôi giúp vào việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật số và hoà mạng các chuỗi cung ứng, chúng tôi giúp cả về phát triển hệ thống thương mại điện tử, so với đối thủ cạnh tranh điều này hơn hẳn: chúng tôi giúp các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực trong quá trình chuyển đổi sự kinh doanh của họ.
Thưa ông, ông có những mục tiêu kinh tế gì đối với hệ thống quản lý năng lượng?
Wildberger: trong năm tới chúng tôi sẽ đưa sản phẩm ra thị trường Đức và Anh. Tôi chưa thể nói chi tiết vì chúng tôi đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Nhưng nhu cầu về phi tập trung hoá việc tích điện và các cơ sở điện mặt trời ở châu Âu đang ngày càng tăng, chúng tôi muốn phục vụ các nhu cầu đó. Và đương nhiên chúng tôi muốn làm ăn có lời – chúng tôi thấy ở đây một mô hình làm ăn vững chắc.
Xin cảm hơn ông Courtois, ông Wildberger về cuộc phỏng vấn này.
Tiểu sử sơ lược về Karsten Wildberger 49 tuổi, từ tháng 4/2016 có mặt trong ban lãnh đạo của Eon. Wildberger chịu trách nhiệm về các lĩnh vực bán hang, giải pháp đối với khách hàng, phi tập trung hoá sản xuất, quản lý năng lượng, tiếp thị, chuyển đổi kỹ thuật số, sang tạo và IT. Ông từng học về vật lý, là người ngoại đạo khi làm việc cho Eon. Trước đó ông từng làm việc tại Telekom, Vodafone và cho Telstra Úc. Tiểu sử sơ bộ về Jean-Philippe Courtois 58 tuổi, bên cạnh CEO Satya Nadella ông có mặt trong Hội đồng quản trị tập đoàn Software. Ông chịu trách nhiệm về khâu bán hàng đối với 124 chi nhánh của tập đoàn trên toàn thế giới. Trong đó đám mây có vai trò quan trọng. Courtois bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 1984 tại Microsoft, năm 1994 ông lãnh đạo chi nhánh Microsoft ở Pháp sau đó trở thành giám đốc điều hành ở châu Âu.