Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.


Ngày 25/9, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM đã tổ chức lễ khánh thành, với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh cùng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi.

Trung tâm C4IR tại TPHCM được thành lập nhằm tăng cường hợp tác với các trung tâm C4IR trên thế giới, hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố cũng như của vùng Đông Nam Bộ, phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế.

Đồng thời, Trung tâm có vai trò huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, phù hợp với xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

C4IR có 10 thành viên sáng lập ban đầu, bao gồm Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao TPHCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Viettel, Sovico, Ngân hàng HD Bank, Techcombank,… Các thành viên này sẽ đóng góp tài chính, nhân sự tham gia quản trị điều hành Trung tâm.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm C4IR thể hiện vai trò tiên phong của TPHCM. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, KH&CN và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Qua đó, thể hiện khát vọng, niềm tự hào của đất nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm C4IR
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (phải) và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (trái) thực hiện nghi thức khánh thành
Trung tâm C4IR. Ảnh: CP

Để Trung tâm C4IR hoạt động thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành là phải định hướng, xây dựng thể chế và có chính sách ưu tiên phát triển phù hợp. Đối với TPHCM, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động của Trung tâm nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà sáng lập hỗ trợ về nguồn lực tài chính, hạ tầng, nhân lực, quản trị. Trung tâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, chủ động, tích cực hoạt động có hiệu quả.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết C4IR là mô hình thể hiện rõ nét nhất hợp tác công tư, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Với Trung tâm C4IR, TPHCM cử nhân lực tài chính ban đầu và phát huy vai trò của các doanh nghiệp tiên phong tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố và của vùng.

"TPHCM sẽ cam kết, bố trí nguồn lực có thể, doanh nghiệp sáng lập, thành lập khung hành động, quy chế, nhanh đóng đưa hoạt động của trung tâm, phối hợp với WEF để có những hoạt động đầu tiên", ông Mãi nói.


Trung tâm C4IR TPHCM là một nội dung (hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư) trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới WEF,giai đoạn 2023-2026.

Đây là Trung tâm C4IR thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư toàn cầu của WEF.

Trung tâm trực thuộc UBND TPHCM, vận hành theo cơ chế tự chủ tương tự doanh nghiệp. Tổ chức của C4IR hoạt động với ba trụ cột chính gồm: các khối lãnh đạo, vận hành, hỗ trợ.

C4IR đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM, hình thành các hệ sinh thái công nghệ đúng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT....

Đội ngũ lãnh đạo gồm hội đồng quản lý với đại diện ba bên: Chính phủ, doanh nghiệp và trường viện. Hội đồng này có sự tham gia các doanh nghiệp lớn với vai trò dẫn dắt, triển khai các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp mũi nhọn.