"Tư tưởng Phật giáo - Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ" là một tác phẩm đáng tin cậy cho bất kỳ độc giả nào muốn tiếp cận những quan điểm cơ bản của tư tưởng tôn giáo và triết học Phật giáo, cũng như muốn cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực này.

Một trong những ý kiến phổ biến về Phật giáo mà chúng ta thường nghe thấy đó là khẳng định rằng việc giác ngộ Phật giáo không liên quan gì đến lý thuyết, khái niệm, lập luận hay thảo luận… Nhưng chỉ cần tiến hành những khám phá đơn giản về lịch sử và quá trình tiến hóa của Phật giáo là có thể thấy ngay những ý kiến như vậy không xác đáng và gây mất phương hướng.

Trong thực tế, lượng tri thức khổng lồ được tích lũy cho đến nay của truyền thống Phật giáo đã chứng tỏ nguồn gốc vĩ đại và nhu cầu to lớn của việc phân tích các triết lý Phật giáo. Do đó, việc xuất bản một cuốn sách bàn về những tư tưởng triết học được hàm chứa trong các truyền thống Phật giáo lớn hiện nay là một vấn đề thực sự cần thiết.

Các tác giả của cuốn Tư tưởng Phật giáo - Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ - Paul Williams, Anthony Tribe và Alexander Wynne - là ba nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về Phật học hiện nay. Qua cuốn sách, người đọc được tiếp cận một bức tranh toàn cảnh, trong đó nổi bật là hành trình phát triển những khái niệm chính yếu của Phật giáo Ấn Độ. Với một văn phong khúc chiết, mạch lạc và lôi cuốn, các ý tưởng trừu tượng và phức tạp đã trở nên dễ hiểu hơn, đặc biệt là những khái niệm liên quan đến Phật giáo Đại thừa và Mật tông, những chủ đề thường vắng bóng hoặc nếu có thì cũng chỉ được trình bày một cách hết sức mơ hồ trong các cuốn sách khác cùng thể loại.

Cuốn sách tập trung vào giai đoạn đầu của tư tưởng Phật giáo, nguồn gốc và sự phát triển của nó ở Ấn Độ cổ đại. Đây là một khảo sát toàn diện về tư tưởng Phật giáo Ấn Độ với sự phân phối nội dung cân bằng giữa Phật giáo Ấn Độ căn bản, sơ khai và chính thống. Việc hiểu rõ về con đường phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để nhận thức chính xác về quan điểm Phật giáo ở những nơi khác như Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Một điều thú vị ở cuốn sách mà chúng ta khó tìm thấy trong các tài liệu cùng loại, đó là những thành tựu nghiên cứu mới nhất về Phật giáo Ấn Độ đã được các tác giả nhanh chóng cập nhật. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng bởi những quan điểm và hình dung về nguồn gốc cũng như các hoạt động của Phật giáo ở Ấn Độ trong thời kỳ 100 năm sau khi ra đời đã có những thay đổi đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Những gì đã diễn ra trong thời kỳ này dường như không hề đồng nhất và mang sắc thái đa chiều hơn nhiều so với những gì mà trước kia mọi người (kể cả giới học thuật) thường tin tưởng.

Để đáp ứng những điều độc giả mong đợi ở một tác phẩm thuộc thể loại nhập môn, các tác giả đã cấu trúc nội dung dựa trên hai tiêu chí của những tài liệu giáo khoa: đi từ những khái niệm cơ bản nhất đến phức tạp nhất và đi từ các giai đoạn lịch sử sớm nhất đến giai đoạn lịch sử cận và hiện đại. Tuy nhiên, cá nhân người viết bài cho rằng, cấu trúc tổng thể của cuốn sách dường như sẽ hợp lý hơn nếu thay vì phân tách thì các tác giả gắn kết Chương 1 (Lập trường giáo lý của Đức Phật), Chương 2 (Phật giáo chính thống: Tư tương căn bản của Đức Phật) và Chương 4 (Một số trường phái tư tưởng của Phật giáo chính thống) với nhau để tạo thành hạt nhân cốt lõi của chủ đề và các phần tiếp sau chỉ nên xem như những bước phát triển theo nhiều hướng khác nhau của cái hạt nhân cốt lõi đó.

Cuốn sách được ấn hành ở Việt Nam mới đây. Ảnh: Omega+
Cuốn sách được ấn hành ở Việt Nam mới đây. Ảnh: Omega+

Cụ thể, chương đầu tập trung nói về sự xuất hiện của Phật giáo Ấn Độ trong bối cảnh lịch sử của nó: đó là thời kỳ khi các hoạt động tôn giáo bị chi phối bởi tôn giáo nghi lễ của Bà La Môn hoặc bởi các Sa môn, những người chọn con đường xuất gia để tu hành. Ngay từ khi mới ra đời, Phật giáo đã tự tạo ra một cấu trúc “siêu tôn giáo” để cùng song song tồn tại với các tôn giáo khác. Thuật ngữ siêu tôn giáo ở đây được hiểu như cách các tác giả đã nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng người ta không thể vừa theo Kitô giáo chính thống vừa theo Hồi giáo hay Hindu giáo, nhưng ta hoàn toàn có thể vừa trở thành Phật tử vừa gửi gắm niềm tin và cúng dường cho các vị thần Hindu hoặc các vị thần bản địa khác trong văn hóa của mình” (tr18). Chương 1 cũng bàn về các văn bản được coi là kinh điển của Phật giáo nguyên thủy và các quan điểm mang tính học thuật khác nhau về độ chính xác của những văn bản này.

Chương 2 giới thiệu các khái niệm cơ bản của Phật giáo nguyên thủy: tứ diệu đế, khổ đế, duyên khởi, nghiệp, vũ trụ quan và thiền định.

Chương 4 trình bày về một số trường phái tư tưởng đáng chú ý nhất gắn bó với các đặc trưng nguyên thủy của truyền thống Phật giáo, bao gồm Sarvāstivāda, Sautrāntika, Theravāda, Pudgalavāda, Mahāsaṃghika. Trong đó, Sarvāstivāda (Nhất thiết hữu bộ) với giáo lý căn bản cho rằng “tất cả đều hiện hữu”. Sarvāstivāda còn đề cập tới sáu nhân (hetu) và bốn duyên (pratyaya) và cho rằng “nhân có thể xuất hiện đồng thời, thậm chí là sau quả”. Sautrāntika (Kinh lượng bộ) chỉ những người coi kinh điển là “chân lượng” (Pramāṇa)(1), chứ không phải những bộ luận (Śāstras)(2). Vì thế Sautrāntika thực chất biểu thị một lập trường trong những thảo luận về giáo lý cao siêu, ví dụ như thái độ hoài nghi rằng Vi Diệu Pháp là lời của Đức Phật, một lập trường đối lập với những người cố gắng bảo vệ các diễn ngôn được cho là của Đức Phật. Theravāda (Thượng tọa bộ) được truyền bá rộng rãi ở Sri Lanka và Đông Nam Á, tự coi mình là nhánh truyền bá chân thực và bảo vệ Phật giáo nguyên thủy mạnh mẽ nhất. Tâm hữu phần là giáo lý chính của Theravāda, cho rằng tâm vẫn hiện diện với cấp độ nào đó kể cả khi không hoạt động. Pudgalavāda (Trụ tử bộ) được coi là một giáo lý về con người, có vẻ mâu thuẫn với quan điểm chung của Phật giáo về vô ngã và đã bị các trường phái Phật giáo khác cực lực phản đối. Mahāsaṃghika (Đại chúng bộ) được biết đến nhiều nhất với giáo lý về “bản chất siêu phàm của Đức Phật”.

Chương 3 thảo luận ngắn gọn về nguồn gốc của Đại thừa, một chủ đề tiếp tục xuất hiện trong Chương 5 và Chương 6. Như các tác giả nhấn mạnh, việc phân tách thành Đại thừa và Tiểu thừa không phải là một vấn đề ly giáo như quan niệm thường thấy mà chỉ là sự khác biệt về quan điểm và động lực khi đi theo con đường Phật giáo. Các ý tưởng chính của tư tưởng Đại thừa - Bát nhã la mật hay sự hoàn hảo của trí tuệ, Tánh Không và con đường cứu độ chúng sinh của các Bồ tát - được xem xét tỷ mỉ trong Chương 5.

Cuối cùng, Chương 7 là một trình bày tổng quan về Phật giáo Mật Tông (Kim cương thừa), một hình thức Phật giáo nhấn mạnh các loại thực hành nghi lễ và thiền đặc biệt. Chương này bắt đầu với phần trình bày chung về các yếu tố cơ bản của Mật tông: tính mật truyền, tầm quan trọng của các bậc đạo sư, việc sử dụng phép thuật…

Nhìn chung, Tư tưởng Phật giáo - Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ cần được đón nhận như một tài liệu nhập môn, được thiết kế dành cho những ai muốn khởi đầu hành trình nghiên cứu Phật học. Và quả thực, cuốn sách cung cấp một điểm xuất phát rất tốt cho bất kỳ ai quan tâm đến việc khám phá chủ đề này. Các tác giả, với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm về Phật giáo tại các trường đại học lớn, đã đưa vào phần cuối sách một thư mục toàn diện, hữu ích cho sinh viên cũng như nhà nghiên cứu: các nguồn kinh điển, một bản tóm tắt ngắn gọn cho mỗi chương, hướng dẫn phát âm tiếng Phạn và tiếng Pali (những ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Ấn Độ), bảng chú giải các thuật ngữ Phật giáo và bản đồ các địa điểm quan trọng nhất ở Ấn Độ Phật giáo.

Là một tài liệu mang tính giáo khoa nhiều hơn là chuyên khảo, các tác giả đã cố gắng không áp đặt các quan điểm cá nhân của mình lên cuốn sách. Thay vào đó, cả ba tác giả đều hào hứng trình bày các vấn đề hiện đang được thảo luận sôi nổi trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh các quan điểm khác nhau liên quan đến từng vấn đề. Các tác giả cũng đề xuất người đọc tiếp cận văn bản với tinh thần phê phán: khám phá cuốn sách, tập trung vào những điểm thú vị nhất và xem thêm về những quan điểm trái chiều trong những tài liệu khác. Chỉ khi nào cuốn sách được tiếp cận với thái độ phê phán và cởi mở, nó mới có thể trở thành một tài liệu thực sự hữu ích cho những người đọc muốn hiểu biết sâu sắc hơn về hệ thống tư tưởng Phật giáo, một kho tàng văn hóa quý giá của nhân loại cả trên bình diện tư tưởng cũng như trên khía cạnh thực hành sống tốt, sống đẹp và sống có ý nghĩa.

------

(1) Pramāṇa, từ gốc tiếng Sanskrit, một thuật ngữ của nhận thức luận (epistemological term) trong triết học Ấn Độ và trong triết học Phật giáo, hàm ý rằng đó là “phương tiện để có được quan niệm đúng đắn hoặc kiến ​​thức chắc chắn, đúng đắn và chân thực.

(2) Śāstras, từ gốc tiếng Sanskrit để chỉ một tập hợp các quan điểm giáo lý được xác định và phân định chặt chẽ.