Ngày 12/1, Pháp đã phóng một vệ tinh có kích cỡ bằng một chai sâm panh vào quỹ đạo Trái Đất nhằm nghiên cứu một hệ hành tinh trẻ và bí ẩn trong dải ngân hà.
Với trọng lượng 3,5 kg, vệ tinh PicSat đã được phóng vào không gian bằng tên lửa PSLV của Ấn Độ, và được đưa vào quỹ đạo ở độ cao 505km. Vệ tinh PicSat được trang bị một kính viễn vọng để quan sát và các tấm pin Mặt Trời để nạp năng lượng vận hành hệ thống.
Nhiệm vụ của vệ tinh PicSat là nghiên cứu ngôi sao khổng lồ Beta Pictoris, cách Trái Đất khoảng 60 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao phía Nam Pictor, cũng như hành tinh Beta Pictoris b của nó. Từ Trái Đất, vệ tinh PicSat sẽ nghiên cứu thêm về hành tinh xa xôi này thông qua việc quan sát lần tới hành tinh này đi qua ngôi sao chủ. Sự kiện diễn ra 18 năm một lần này dự kiến diễn ra trong năm 2018.
Thông qua việc đo lượng ánh sáng mà một hành tinh sẽ che khuất khi đi qua ngôi sao của nó, các nhà thiên văn có thể tính toán chi tiết được kích cỡ và thành phần cấu tạo nên khí quyển của hành tinh.
Được khám phá vào năm 1984, ngôi sao Beta Pictoris có khối lượng gấp 1,8 lần Mặt Trời và được ước tính vào khoảng 20 triệu năm tuổi. Bao quanh ngôi sao này là một đĩa khí bụi khổng lồ, vốn là các nhân tố hình thành nên những hành tinh, tiểu hành tinh và sao chổi. Điều này khiến Beta Pictoris trở thành đối tượng lý tưởng để nghiên cứu cơ chế hệ Mặt Trời phát triển.
Theo Báo Tin tức