Việc đưa ra các chính sách và sáng kiến cho doanh nghiệp có thể ngăn chặn hình ảnh quảng cáo đã qua chỉnh sửa, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ rối loạn ăn uống.
Các công cụ chỉnh sửa ảnh ngày càng đem lại những hình ảnh quảng cáo với các chuẩn mực sắc đẹp phi thực tế.
Các nhà nghiên cứu Đại học Harvard, Đại học Dickinson College và Trường Luật Đại học bang Michigan mới xuất bản công bố “Digital Manipulation of Images of Models’ Appearance in Advertising: Strategies for Action Through Law and Corporate Social Responsibility Incentives to Protect Public Health” trên The American Journal of Law & Medicine, trong đó phân tích về những chiến lược quy định pháp lý có thể giúp chống lại xu hướng các hình ảnh quảng cáo đang bị “photoshop” tràn lan và gắn với các chuẩn mực sắc đẹp phi thực tế. Từ đó, họ kêu gọi chính phủ đặt ra những quy định cho ngành công nghiệp quảng cáo để ngăn chặn hình ảnh đã qua chỉnh sửa kĩ thuật số. Bằng chứng về mối quan hệ rõ ràng giữa những chuẩn mực sắc đẹp sai lệch với các tác hại về sức khỏe cộng đồng như tăng nguy cơ rối loạn ăn uống cho thấy cần nâng cao nỗ lực phòng ngừa xu hướng này.
Phó giáo sư Suman Ambwani, ngành tâm lý học của đại học Dickinson College nói: “Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc ‘phơi nhiễm’ với các chuẩn mực sắc đẹp phi thực tế như ảnh chỉnh sửa kĩ thuật số đã góp phần vào việc khiến chúng ta cảm thấy bất mãn với cơ thể và có hành vi rối loạn kiểm soát cân nặng. Do mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn ăn uống hiện đang ảnh hưởng đến hàng triệu công dân Mỹ bất kể giới tính, sắc tộc, tình trạng kinh tế- xã hội, chúng ta cần phải xét tới các chiến lược y tế công cộng để giảm nguy cơ trên.”
Giáo sư Bryn Austin từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan bổ sung: “Từ nhiều năm nay, chúng ta đã biết những hình ảnh quảng cáo gây hại cho giới trẻ như thế nào, đặc biệt với những người tự ti về ngoại hình. Nhưng chúng ta không biết có những lựa chọn nào để chống lại những hình ảnh này. Ở Mỹ, nhờ Tu chính án I Hiến pháp, chúng ta có quyền làm điều đó. Cần đưa ra các sáng kiến để khuyến khích doanh nghiệp làm điều đúng đắn. Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý, việc thúc đẩy các công ty tăng quảng bá hình ảnh lành mạnh hơn sẽ tốt cho hoạt động kinh doanh của họ và cả sức khỏe tinh thần của giới trẻ.”
Nghiên cứu này là nền tảng cho dự luật Tôi chân chính (#theRealMe) đang được bà Kay Khan, đại diện thuộc Đảng Dân chủ thành phố Newton, đệ trình lên cơ quan lập pháp bang Massachusetts. Dự luật đề xuất nhằm mục đích đẩy nhanh tiến trình thay đổi bằng cách đưa ra các ưu đãi thuế cho những công ty sử dụng “hình ảnh quảng cáo thực tế" -không thay đổi tông màu da, bề mặt, hình dạng và kích thước cơ thể người mẫu.
Nhóm nghiên cứu liệt kê các ưu đãi thuế như một trong nhiều chiến lược để chống lại các hình ảnh chỉnh sửa kĩ thuật số đang ngày càng sinh sôi nảy nở. Họ cũng kiểm nghiệm tính khả thi của các biện pháp khác như đánh thuế trực tiếp, đưa ra quy định từ Ủy ban Thương mại Liên bang, khuyến khích tự nguyện và tự điều chỉnh ngành trong việc thay đổi hành vi quảng cáo.
Các nhà nghiên cứu kết luận, áp lực từ phía người tiêu dùng tăng lên đang thách thức các hoạt động quảng cáo có chỉnh sửa, và một số công ty bắt đầu tham gia vào chiến dịch “không photoshop” khiến thời điểm hiện nay là lý tưởng để các nhà hoạch định chính sách, những người ủng hộ và các công ty xem xét những lựa chọn trên để tạo ra chính sách đột phá và có khả năng cải thiện sức khỏe bằng cách giảm thiểu tác hại từ hình ảnh kỹ thuật số gây ra. □
Theo Tiasang