Dựa vào dữ liệu địa chấn do tàu đổ bộ InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về một hồ chứa nước ngầm khổng lồ trên sao Hỏa. Lượng nước này đủ lớn để phủ kín toàn bộ bề mặt hành tinh đỏ ở độ sâu từ 1 đến 2km.

Ảnh: NASA.
Ảnh: NASA.

Trong nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào ngày 12/8, nhà khoa học hành tinh Vashan Wright tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego (Mỹ) mô tả hồ chứa nước ngầm bị mắc kẹt bên trong một lớp đá nứt vỡ nằm ở độ sâu từ 11,5km đến 20km, bên dưới lớp vỏ ngoài của sao Hỏa.

“Tại độ sâu này, lớp vỏ sao Hỏa đủ ấm để nước lỏng tồn tại. Ở độ sâu nông hơn, nước sẽ bị đóng băng”, Wright nhận định. “Trên Trái đất, chúng ta biết rằng sự sống của vi khuẩn tồn tại ở sâu dưới lòng đất, nơi đá bão hòa nước và có đủ nguồn năng lượng. Môi trường bên dưới bề mặt sao Hỏa cũng hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để vi khuẩn có thể tồn tại và phát triển”.

Nước là nguồn tài nguyên quan trọng khi con người đưa phi hành gia lên sao Hỏa và thiết lập một số loại hình định cư lâu dài trong tương lai. Giới khoa học tin rằng sao Hỏa từng tồn tại các đại dương nước lỏng trên bề mặt cách đây hơn 3 tỷ năm. Nhưng khi sao Hỏa mất đi bầu khí quyển, khí hậu cũng dần thay đổi và biến đổi hành tinh này thành một thế giới khô cằn, đầy bụi như ngày nay. Kết quả nghiên cứu mới của Wright và các cộng sự cho thấy phần lớn nước trên bề mặt sao Hỏa không thoát hết ra ngoài không gian mà thấm sâu một phần xuống lớp vỏ.

Nguồn: Livescience, Reuters

Đăng số 1305 (số 33/2024) KH&PT