Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trẻ em sống gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra sự cố hồi 2011 có dấu hiệu mắc ung thư tuyến giáp cao hơn, thậm chí là gấp 50 lần so với những nơi khác ở Nhật.
|
Trẻ em tại Fukushima được kiểm tra nồng độ phóng xạ. Ảnh: WSJ |
Theo AP, khoảng 370 ngàn trẻ em được kiểm tra thường xuyên kể từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi và nghiên cứu mới đây phát hiện 137 trẻ được chẩn đoán mắc hoặc có triệu chứng mắc ung thư tuyến giáp.
Số trẻ em mắc bệnh đã tăng 25 trường hợp so với năm ngoái và đây là tỉ lệ rất cao so với các khu vực khác tại Nhật. Trung bình mỗi năm, chỉ có 1 đến 2 trường hợp trên 1 triệu trẻ mắc căn bệnh này tại Nhật.
“Các trường hợp mắc bệnh nhiều và nhanh hơn dự đoán”, Toshihide Tsuda, thuộc Đại học Okayama, người đứng đầu nghiên cứu nêu trên nói. “Nó tăng tới 20-50 lần so với thông thường”.
Ung thư tuyến giáp được cho là liên quan tới bức xạ hạt nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ ung thư tuyến giáp tăng mạnh ở những người từng sống tại khu vực xảy ra sự có nhà máy điện hạt nhân Chernobyl 1986 khi còn nhỏ, bao gồm cả Belarus, Liên bang Nga và Ukraine.
Nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn sau các sự cố hạt nhân là bởi tuyến giáp cần các i-ot để sản xuất hóc-môn phục vụ sự điều tiết quá trình trao đổi chất. Tuyến giáp tích cực hút các i-ốt trong máu mà không phân biệt giữa i-ốt thông thường và i-ốt phóng xạ phát tán do các sự cố hạt nhân.
Ở trẻ em, tuyến giáp phát triển nhanh hơn ở người lớn. Điều này khiến tuyến giáp trở thành một trong những phần nhạy cảm nhất của cơ thể đối với bức xạ. Các i-ốt phóng xạ, được gọi là 131l cũng gây nguy hiểm cho cả thai nhi.
Tuy nhiên, ngay cả khi xác nhận điều này, vẫn rất khó để xác định mối liên hệ trực tiếp giữa bức xạ và căn bệnh ung thư. AP nói rằng, “không thể quy kết một ca ung thư đơn lẻ với bức xạ về mặt khoa học”.
Một trong những vấn đề lớn nhất là khi tìm cách liên kết bức xạ hạt nhân và bệnh ung thư, người ta bắt đầu các chương trình theo dõi và sàng lọc thường xuyên hơn tại các khu vực xảy ra sự cố hạt nhân và từ đó, họ nhận được cái gọi là “hiệu ứng sàng lọc”.
Hiệu ứng này xảy ra khi có vẻ như những người sống trong một khu vực nào đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nhiều hơn do họ được khám chữa và sàng lọc nhiều hơn ở những khu vực khác. Đây là điều mà các địa phương tại Nhật thường làm. Theo bác sĩ Shunichi Yamashita, người dẫn đầu nhóm các bác sĩ nghiên cứu ảnh hưởng ở Fukushima đã nhiều lần phản đối việc quy kết bệnh ung thư tuyến giáp với sự cố hạt nhân.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu gần đây, được đăng tải trên Tạp chí Epidemiology, Tsuda và các đồng sự nói rằng, không chỉ có ung thư tuyến giáp ở trẻ em được xác nhận là có liên quan tới phóng xạ tại Chernobyl, họ còn chỉ ra rằng, tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở trẻ em Fukushima là quá cao, vượt qua cả hiệu ứng sàng lọc.
Một số chuyên gia độc lập chỉ trích nghiên cứu của Tsuda do họ thiếu một ước lượng riêng biệt trong liều lượng bức xạ, điều giúp mối liên kết giữa bức xạ và căn bệnh ung thư có thể được xác nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nghiên cứu này là cơ sở để tiến hành những nghiên cứu xa hơn.