Sau gần 11 tiếng đồng hồ chìm trong biển lửa, thành cổ Shuri – Okinawa, Nhật Bản – đã gần như bị thiêu rụi trong sự bàng hoàng của người dân địa phương. Công tác điều tra nguyên nhân hỏa hoạn đang được gấp rút tiến hành, theo đại diện chính phủ Nhật.
Không ảnh chụp hiện trường vụ cháy vào chiều nay, sau khi đám cháy đã được dập tắt. (Nguồn: UDN)
Đám cháy được bảo vệ di tích phát hiện vào 2h30 phút sáng 31/10 (12h30 sáng giờ Việt Nam). Lính cứu hỏa bắt đầu tiếp cận đám cháy vào lúc 2h40 phút – và dập tắt hoàn toàn ngọn lửa vào lúc 1h30 trưa cùng ngày, theo đại diện của Sở Cứu hỏa thành phố Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Khoảng 30 hộ dân sống quanh thành cổ đã được sơ tán kịp thời.
Sáu tòa điện của thành cổ nằm trên tổng diện tích 4.200 m2 đã bị vụ cháy phá hủy phần lớn. Sở cứu hỏa Naha cho rằng ngọn lửa xuất phát từ tòa Chính Điện (Seiden) ở trung tâm thành, sau đó lan ra bên ngoài, thiêu hủy hoàn toàn tòa điện cũng như hai tòa Bắc Điện (Hokuden) và Nam Điện (Nanden) liền kề.
“Tất cả (ba) tòa nhà chính đã bị lửa triêu rụi, không còn lại gì cả,” theo lời ông Daisuke Furugen, đại diện Sở Cứu hỏa Naha trả lời báo giới.
Tòa Chính Điện có cấu trúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, trong khi hai tòa điện còn lại xây dựng với khung thép. Khuôn viên thành cổ không được lắp đặt các trụ cứu hỏa, khiến cho chính quyền phải huy động khoảng 100 lính và 30 xe chữa cháy đến đập tắt ngọn lửa.
Báo chí Nhật Bản cho biết, trước khi vụ hỏa hoạn diễn ra, tại thành cổ đã diễn ra hoạt động chuẩn bị cho một lễ hội truyền thống. Việc chuẩn bị diễn ra đến khoảng 1h sáng, khoảng 1 tiếng rưỡi trước khi hỏa hoạn xảy ra. Tuy vậy, Ban quản lý di tích khẳng định rằng việc chuẩn bị “không hề sử dụng lửa” – do đó, chưa thể dám chắc nguyên nhân hỏa hoạn khi chưa có kết luận điều tra chính thức.
Biểu tượng của Okinawa
Thành Shuri (Thủ Lý) được xây dựng làm cung điện của quốc vương Lưu Cầu, một vương quốc của người Okinawa bản địa từng tồn tại độc lập trong 450 năm cho đến khi bị sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879. Cai trị bởi vương triều nhà Shō (nhà Thượng) tại Chuzan (Trung Sơn), Lưu Cầu từng đóng một vai trò trung gian đặc biệt quan trọng trong thương mại châu Á thời kỳ trung đại, cửa ngõ kết nối thị trường Trung Quốc với Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và Đông Nam Á.
Tòa thành – được xây dựng kết hợp lối kiến trúc Trung Hoa và bản địa Okinawa – từng bị phá hủy hoàn toàn trong trận chiến ác liệt giữa quân đội Mỹ và quân Nhật trong Thế chiến II. Trận Okinawa, kéo dài trong 82 ngày từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1945, khiến 200.000 người Mỹ và người Nhật thiệt mạng, trong đó có khoảng một phần tư dân thường sống trên đảo Okinawa khi đó.
Năm 1992, thành cổ Shuri được phục dựng lại trên nền cũ và được chính phủ Nhật Bản công nhận là công viên quốc gia. Đến năm 2000, tòa thành và các di tích khác trên đảo Okinawa được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thứ 11 của Nhật Bản, và sau đó trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị G-8 năm 2000. Nơi đây trở thành một địa điểm du lịch được ưa thích và đóng vai trò là biểu tượng cho sự hồi sinh của Okinawa sau chiến tranh.
“Tôi thực sự vô cùng đau buồn trước thảm họa, tôi thực sự bị sốc.” Thị trưởng Naha Mikiko Shiroma phát biểu: “Chúng ta đã mất đi biểu tượng của Okinawa.”
Rất nhiều người dân Lưu Cầu chứng kiến vụ cháy có chung cảm xúc như vậy. “Thật là buồn bã”, bà Ikue Kamiya, 47 tuổi, nói khi nhìn thấy khói nổi lên từ tòa thành.
Bà Mikiko và Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đều khẳng định thành Shuri sẽ được phục dựng sau vụ cháy: "Đó là một phần của công viên Di sản Quốc gia Okinawa. Chính phủ sẽ làm hết sức để phục dựng lại tòa thành.” Ông Suga cũng nói trong cuộc họp báo hôm qua tại Tokyo.
Là một quốc gia thường xuyên gánh chịu thiên tai, mối đe dọa với các di tích lịch sử ở Nhật Bản luôn thường trực. Lâu đài Kunamoto ở đảo Kyushu từng bị thiệt hại nặng sau trận động đất 7 độ Richter hồi năm 2016. Việc phần lớn các di tích được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cũng là vấn đề khiến hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Nổi tiếng nhất là vụ cháy chùa Kinkakuji ở cố đô Kyoto năm 1950 – sự kiện khiến chính phủ Nhật Bản ban hành đạo luật về Bảo vệ Tài sản Văn hóa từ năm 1950, với ngày 26/1 hàng năm được đặt là ngày phòng chống hỏa hoạn cho di tích.
Tuấn Quang dịch