Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã chính thức đề nghị hủy bỏ chương trình mang tên thị thực startup, vốn được chính quyền Obama triển khai.
Trong văn bản gửi tới Công báo liên bang, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố chương trình này mang tính chất “không thích hợp, không thực tế và sử dụng tài nguyên quốc gia không đảm bảo”. DHS khẳng định quy định này thiếu sự bảo vệ đầy đủ cho các nhà đầu tư và nhân công Mỹ, cũng như hoàn toàn không phù hợp với ưu tiên chính sách hiện tại của DHS.
Chính sách này nhắm đến đối tượng doanh nhân nước ngoài tại Mỹ bằng việc cấp cho họ phương án thay thế cho các loại thị thực hiện tại. Các đối tượng người nước ngoài với kỳ vọng xây dựng doanh nghiệp phát triển nhanh chóng có thể nộp đơn xin "parole status" để làm việc tại Mỹ. Parole status thường chỉ được cấp cho cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo hoặc y tế.
Trong khi một số quốc gia như Pháp hay Canada có loại hình thị thực đặc biệt nhằm khuyến khích doanh nhân nước ngoài để thiết lập công ty trong nước, những cá nhân đến Mỹ sẽ phải tìm hiểu và nộp đơn xin một số loại thị thực, như H-1B dành cho những người làm việc dưới một chủ thuê nhân viên và sẽ gây khó khăn để mở công ty riêng.
Theo quy định của thị thực startup, doanh nhân phải chứng minh được công ty non trẻ của họ - hoạt động dưới 5 năm - có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và tạo ra công ăn việc làm, với khoản vốn trợ cấp từ chính phủ từ 100.000 USD hoặc ít nhất 250.000 USD từ nhà đầu tư có chứng nhận. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị loại khỏi vòng xem xét. Startup phải hoạt động hợp pháp tại quốc gia, và sáng lập viên phải sở hữu ít nhất 10% cổ phần của công ty tại thời điểm nộp đơn xem xét. Thời hạn parole status kéo dài 2,5 năm và được gia hạn thêm 2,5 năm nữa. Thị thực này có thể bị thu hồi nếu như công ty được đánh giá là không còn đem lại lợi ích cho xã hội.
Chương trình này dự kiến được bắt đầu từ tháng 6/2017, tuy vậy chính quyền Tổng thống Trump đã trì hoãn việc triển khai ngay trước thời hạn bắt đầu. Và vào tháng 11/2017, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm quốc gia (NVCA) và các sáng lập viên startup đã kiện DHS với cáo buộc cơ quan này không tuân thủ đúng quy trình thông báo và lấy ý kiến trước khi trì hoãn chương trình này. Ngay sau đó, một thẩm phán đã tuyên bố DHS không có đủ lý do hợp lý để trì hoãn chương trình thị thực bắt đầu triển khai với doanh nhân nước ngoài. Do vậy hướng dẫn và form đăng ký được đăng tải vào cuối tháng 12/2017.
Tính cho tới hiện tại, có khoảng 12 đơn xin đã được gửi tới chương trình, nhưng chưa hề có quyết định nào được đưa ra.
Lý do của đề xuất từ DHS có liên quan tới việc chính sách này tập trung quá nhiều vào khía cạnh kinh tế mà doanh nhân nước ngoài có tiềm năng đem lại, mà không vạch ra đường lối rõ ràng cho họ để tiếp tục ở lại Mỹ. Sẽ có thời hạn 30 ngày để công chúng đưa ra bình luận về đề xuất hủy bỏ chính sách nói trên.
ICT News