Các nhà khoa học cuối cùng có thể đã khám phá ra vì sao một số thiên thạch lại rơi xuống Trái đất có từ tính, một điều tưởng chừng không thể xảy ra.
Khi các tiểu hành tinh va chạm vào nhau và vỡ ra, các mảnh vỡ lại hợp thành những tiểu hành tinh mới hỗn tạp, gọi là tiểu hành tinh đá vụn. Khi đó, tiểu hành tinh mới có thể xuất hiện một từ trường tạm thời. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Yale, Mỹ, thực hiện.
Kết quả này có thể giải thích một bí ẩn đã đánh đố các nhà thiên văn học trong nhiều năm: một số thiên thạch kim loại có dấu vết của hiện tượng từ tính, như thể chúng chứa tàn dư của các từ trường bên trong. Đây là điều không thể xảy ra, vì ngay cả khi một thiên thạch chứa sắt, thì cũng không thể có một dynamo (máy phát điện một chiều) như trong lõi của Trái đất được. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng cần một dynamo như vậy mới tạo ra được từ trường.
Khi nghiên cứu về các tiểu hành tinh đá vụn, các nhà khoa học đã mô phỏng sự va chạm giữa các tiểu hành tinh để tìm hiểu xem chúng có liên quan đến bí ẩn trên không. Kết quả, họ phát hiện, khi hai tiểu hành tinh giàu sắt va đập vào nhau và bắn ra các mảnh vụn, một số mảnh trong số đó có thể kết lại thành một lõi lạnh, bên ngoài phủ một lớp đá nóng chảy. Khi đó, nếu các mảnh vụn có kích cỡ phù hợpthì lõi lạnh bên trong sẽ bắt đầu lấy đi từ lớp chất lỏng nóng bên ngoài các nguyên tố như lưu huỳnh.
Mô hình mô phỏng cho thấy sự trao đổi nhiệt có thể tạo nên vòng lưu thông đủ để kích hoạt một dynamo, do đó từ trường xuất hiện. Nếu một dynamo như vậy hình thành thì nó có thể tồn tại hàng triệu năm, và rất lâu sau đó các nhà thiên văn học mới tìm thấy dấu vết của nó được.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Nguồn:
Minh Tú