Trạm vũ trụ thứ ba của Trung Quốc gồm ba khoang chính, khoang đầu tiên có thể phóng lên không gian vào năm sau.

Tên lửa đưa ba phi hành gia lên trạm Thiên Cung 1. Ảnh: Jason Lee/Reuters.

Tên lửa đưa ba phi hành gia lên trạm Thiên Cung 1. Ảnh: Jason Lee/Reuters.

Trung Quốc công bố kế hoạch đưa trạm vũ trụ mới lên quỹ đạo trong vài năm tới, Newsweek hôm 31/5 đưa tin. Trước đó, Trung Quốc đã phóng thành công hai trạm vũ trụ là Thiên Cung 1, trạm rơi trở lại khí quyển bốc cháy vào tháng 4, và Thiên Cung 2 vẫn đang hoạt động.

Việc xây dựng trạm vũ trụ mới đang được tiến hành. Trung Quốc hy vọng trạm với ba khoang chính sẽ đi vào hoạt động năm 2022. Khoang đầu tiên dự kiến được phóng lên không gian năm 2019.

Tương tự Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hiện nay, trạm Trung Quốc sẽ di chuyển trên quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 400 km. Đây cũng là nơi tiến hành nhiều nghiên cứu và thí nghiệm khoa học về các đề tài như sự tiến hóa, phát triển, hay hoạt động của chất lỏng trong không gian.

"Trạm vũ trụ Trung Quốc không chỉ thuộc về Trung Quốc mà còn là của thế giới. Mọi quốc gia, bất kể quy mô hay trình độ phát triển, đều có thể tham gia hợp tác bình đẳng", Shi Zhongjun, đại diện nước này tại Liên Hợp Quốc, cho biết.

Trạm ISS dự kiến tiếp tục hoạt động trên quỹ đạo đến khoảng năm 2024. Trong tương lai, NASA sẽ tập trung nguồn lực cho các dự án đưa con người trở lại Mặt Trăng và lên sao Hỏa. Nhiều ý kiến cho rằng có thể trạm ISS sẽ được giao lại cho công ty tư nhân.