Một cột mốc quan trọng vừa được thiết lập, cỗ máy thiên văn vĩ đại nhất hiện nay đã được lắp ráp hoàn chỉnh.
Kể từ khi dự án được triển khai vào năm 1996, hành trình đưa kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) vào vận hành đã từng bị trì hoãn bởi sự chậm trễ. Nhưng mới đây một cột mốc quan trọng đã được thiết lập: cuối cùng cỗ máy thiên văn vĩ đại đã được lắp ráp hoàn chỉnh.
Đài thiên văn vũ trụ đang được hoàn thiện tại một cơ sở của công ty công nghệ hàng không vũ trụ Northrop Grumman ở bang California và mới đây họ đã ráp nối thành công hai nửa của JWST – kính và gương thành một, cùng với tấm chắn ánh sáng Mặt trời và thân tàu vũ trụ.
"Việc lắp ráp kính, các bộ phận khoa học, tấm chắn ánh sáng Mặt trời và thân tàu vũ trụ thành một đài quan sát đã ghi nhận một thành tựu đáng kinh ngạc của toàn bộ nhóm Webb. Dấu mốc này tượng trưng cho nỗ lực của hàng ngàn cá nhân đã không ngừng cống hiến trong hơn 20 năm qua tại NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), công ty Northrop Grumman và những đối tác về học thuật và công nghệ khác", Bill Ochs, quản lý dự án Webb của trung tâm Hàng không quốc gia Goddard thuộc NASAcho biết.
JWST được mong đợi từ lâu là sự kế thừa xứng đáng của của Kính thiên văn vũ trụ Hubble, tuy nhiên nó đã không thể ra mắt vì bị trì hoãn nhiều lần do lý do ngân sách cũng như các thách thức về mặt kỹ thuật.
Hubble, được ra mắt vào năm 1990, đang đi đến những chặng đường cuối cùng của mình. Nhiệm vụ cuối cùng của nó đã từ năm 2009, từ đó đến nay, các bộ phận đã hư hại dần – Hubble đã mất đi ba trong số sáu con quay hồi chuyển. Tuy nhiên, đài quan sát này vẫn có thể tồn tại trong một hoặc hai thập kỷ nữa nếu mọi thứ êm đẹp.
JWST dự kiến được ra mắt vào tháng 3 năm 2021 và đến nay mọi thứ đều đang đúng lịch trình. Tất nhiên sẽ luôn đủ chỗ cho cả hai kính thiên văn trong không gian, gương của Webb có đường kính 6,5 m trong khi gương của Hubble là 2,4 m.
Ngoài ra, kính viễn vọng Webb sẽ quan sát mọi thứ với các bước sóng dài và khác hơn so với Hubblle, từ khả năng thu nhận ánh sáng thường cho đến tia hồng ngoại. Phạm vi tiếp cận của Hubble chỉ từ tia cực tím đến cận hồng ngoại, Webb có thể quan sát vật thể ở khoảng cách xa hơn ngay cả tại những chuyển dịch đỏ (redshift) cao, chẳng hạn như những dải thiên hà sơ khai trong vũ trụ, mà Hubble không thể nhìn thấy được.
Hoạt động của Webb sẽ cần thường xuyên duy trì ở nhiệt độ rất lạnh để quan sát được các bước sóng cận hồng ngoại, vì nhiệt từ bức xạ hồng ngoại có thể gây nhiễu tín hiệu. Tấm chắn ánh sáng Mặt trời năm lớp phức tạp sẽ thực hiện phần việc trên.
Bước tiếp theo của nhóm Webb sẽ là triển khai đầy đủ các tấm chắn này. Một phần sự cố kỹ thuật xảy ra trong năm 2017 cũng bắt nguồn từ đây, một số vết nứt đã được tìm thấy trong các tấm polyimide được bọc silicon và nhôm, nguyên nhân được cho là do "lỗi tay nghề".
Các tấm chắn cũng như các bộ phận thiết bị khác đã được thử nghiệm riêng biệt. Bây giờ, mục tiêu nhắm đến là đánh giá liệu chúng có thể hoạt động như dự kiến trên kính viễn vọng hoàn chỉnh hay không.
"Đây là một khoảng thời gian thú vị, lần đầu tiên chúng ta có thể chứng kiến tất cả các phần của kính viễn vọng không gian James Webb hợp lại thành một. Đội ngũ kỹ sư đã đạt được một bước tiến lớn và nhanh thôi chúng ta sẽ được thấy những hình ảnh mới về vũ trụ tuyệt vời này", ông Charlie Robinson, giám đốc chương trình Webb tại NASA cho biết.