Cơ quan vũ trụ của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã phối hợp phóng một tên lửa Ariane 5 ngày 19/10 mang 2 tàu thăm dò tự hành lên thám hiểm Sao Thủy trong một hành trình dự kiến kéo dài 7 năm.

Tên lửa đẩy Ariane 5 mang theo hai tàu thăm dò tự hành của châu Âu và Nhật Bản rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp ngày 19/10/2018. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tên lửa đẩy Ariane 5 mang theo hai tàu thăm dò tự hành của châu Âu và Nhật Bản rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp ngày 19/10/2018. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hai tàu này được thiết kế để di chuyển 9 tỷ km đến hành tinh gần Mặt trời nhất là Sao Thủy, và bay quanh hành tinh này để thu thập dữ liệu trong khoảng một năm.

Tàu thăm dò Mio do Cơ quan Thăm dò không gian Nhật Bản (JAXA) chế tạo với thiết kế hình bát giác, có một ăngten dài, dự kiến thăm dò các từ trường trên Sao Thủyvà khí quyển rất mỏng của hành tinh này.

Trong khi đó, Tàu thăm dò Sao Thủydo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo, được trang bị nhiều camera và một thiết bị đo độ cao, có nhiệm vụ kiểm tra địa hình và khoáng chất trên hành tinh này.

Đến nay chỉ có 2 tàu thăm dò không gian của Mỹ đã từng thám hiểm Sao Thủy. Tàu Mariner 10 thực hiện chuyến thám hiểm từ năm 1974-1975, và tàu Messenger thăm dò từ năm 2011-2015.

Sứ mệnh mới nhất kết hợp giữa EU và Nhật Bản mang tên BepiColombo, theo tên nhà toán học từng đóng góp vào chuyến thám hiểm của tàu Mariner, đặt mục tiêu khám phá lịch sử bí ẩn về sự hình thành Sao Thủyvà cấu trúc bên trong hành tinh này./.