Sự ra đời của xe hơi tự lái và máy tính tự học khiến chúng ta hình dung về công sở không văn phòng trong thế giới tương lai. Tuy nhiên, dù ngày càng có nhiều công ty áp dụng giờ làm việc linh hoạt, có nhiều lý do “rất con người” khiến cho công sở không văn phòng vẫn là viễn cảnh khá xa vời.
Sự tin tưởng đối nghịch với kỷ nguyên số
Công nghệ giúp chúng ta kết nối, nhưng sự gặp mặt và hiện diện bằng xương bằng thịt mới là chất xúc tác tạo nên sự tin tưởng. Sự tin tưởng này có tính bản năng và không được nâng cấp đồng bộ với các công nghệ mà con người tạo ra.
Cho dù làm việc xuất sắc thế nào, nếu không có chất xúc tác bản năng này, bạn vẫn rất khó được sếp và đồng nghiệp tin tưởng hoàn toàn. Nếu thành thực, có lẽ bạn sẽ thừa nhận bạn không tin tưởng phần lớn các cộng sự hay cả sếp của mình.
Làm việc tại nhà vẫn là điều xa vời, dù con người đang trong kỷ nguyên số. Ảnh: Skim
“Sự tin tưởng có tính chất bản năng không phải là thứ được thiết kế để phù hợp với kỷ nguyên số” - Rachel Botsman, Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford nói. Điều này đúng cả với sự tin tưởng dành cho các đồng sự và sự tin tưởng bên trong các tổ chức. Vì thế, ở kỷ nguyên số, chúng ta không có nhiều cơ hội hiểu và nhìn nhận đối tác như một con người thực sự.
“Kỷ nguyên số đã hủy diệt sự thông cảm, khiến chúng ta khó chấp nhận hoàn cảnh của người khác hơn” - Sherry Turkle, Giám đốc Quỹ Sáng kiến về công nghệ và cái tôi cá nhân, Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ nói.
Thiên hướng dùng tin nhắn, email và các ứng dụng đánh máy nhanh đã khiến chúng ta quên một số kỹ năng thuộc về con người, gồm khả năng đánh giá sắc thái ngôn ngữ và ý nghĩa, nuôi dưỡng cảm giác thuộc về một nhóm người nào đó, hiểu về sếp và đồng nghiệp đủ để tin họ sẽ làm đúng phần việc của mình.
Sự thui chột các kỹ năng này làm xói mòn sự tin tưởng tiềm ẩn xây dựng được qua quá trình làm việc chung. Sự thiếu tin cẩn đem đến sự sợ hãi và đó là lý do chúng ta cần gặp nhau tại công sở ngay cả khi có thể làm việc tốt qua mạng. Nó cũng giải thích tại sao chúng ta cảm thấy mình phải ngồi vào bàn làm việc ngay cả khi công việc đó có thể được giải quyết từ quán càphê.
“Con xin phép má”
Cho dù “dân chủ” đến đâu thì cấp trên vẫn là cấp trên. Rất nhiều người cảm thấy ngại khi phải hỏi sếp để được làm việc từ nhà hoặc đổi khung giờ làm khi cần dành thời gian chăm con ốm hay đến cuộc hẹn với bác sỹ, hoặc đơn giản chỉ muốn làm việc ở khung giờ mà mình cảm thấy hiệu quả nhất. Phyllis Moen - Giáo sư xã hội học tại Đại học Minnesota, Mỹ - gọi đây là khó khăn dạng “con xin phép má”, như một đứa trẻ phải xin phép ba mẹ để làm việc mình cần.
Một số nhà tâm lý học công sở cho rằng, công nghệ hiện đại là một cách để chủ lao động liên tục giám sát nhân viên và họ ngày càng phải chịu đựng cảm giác bị theo dõi, ngay cả khi được phép làm việc từ xa. Trung tâm Việc làm tương lai tại London, Anh mới đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy các phản ứng cảm xúc diễn ra do chúng ta buộc phải cảm thấy mình kết nối với công việc đã gây các stress rất có hại.
Nhiều ý kiến cho rằng quá trình tự động hóa và các tiến bộ về công nghệ thông tin đang đe dọa rất nhiều công việc dạng “cổ cồn trắng” như kế toán hay luật - như từng xảy ra trong lĩnh vực sản xuất. Điều này dẫn đến cảm giác bất ổn, khiến mọi người gắn chặt hơn với bàn làm việc, xuất hiện trước mặt sếp và tránh các lựa chọn làm việc linh hoạt. Xuất hiện tại văn phòng có lẽ là lựa chọn chắc chắn nhất làm dịu đi cảm giác không được đảm bảo về công việc.
Làm việc linh hoạt có lợi nhất cho doanh nghiệp
Điều trớ trêu là việc nhân viên hiện diện tại văn phòng lại là yếu tố làm giảm năng suất. Theo Giáo sư Moen, càng có quyền kiểm soát về thời gian và nơi làm việc, người lao động càng hài lòng với công việc. Một nghiên cứu của Đại học Warwich, Anh cho thấy cảm giác hài lòng khiến cho chúng ta làm việc hiệu quả hơn 12%. Khi cảm thấy hạnh phúc, người lao động sẽ sử dụng thời gian hiệu quả hơn, tốc độ làm việc cao hơn mà chất lượng không giảm.
Trên thực tế, đối với một số người trong chúng ta, linh hoạt ở mức thay đổi một vài giờ so với khung giờ chuẩn là đủ để chất lượng cuộc sống tăng lên.
Tại Tây Ban Nha, một trong các công ty tiện ích lớn nhất của nước này là Iberdola cách đây vài năm đã quyết định cho phép nhân viên tự chọn làm việc từ 8h-15h mà không cần nghỉ trưa, trong khi phần lớn mọi người làm việc từ 9h-17h và nghỉ trưa 2 tiếng đồng hồ. Kết quả, mức độ hài lòng với công việc của nhân viên tăng, tỷ lệ bỏ việc giảm (90% nhân sự đã ở lại với công ty hơn 5 năm).