Các nhà khoa học vừa xác định được trạng thái sống sót chưa từng được biết đến mà nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể đã áp dụng để đề kháng lại kháng sinh: tạm hóa "thây ma".
Nghiên cứu mới của Viện Khoa học đời sống Swammerdam, thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã phát hiện ra một chiếc lược sinh tồn chưa được biết đến trước đây của vi khuẩn, giải thích tại sao một số dạng nhiễm trùng xuất hiện mạnh mẽ sau điều trị bằng kháng sinh.
Nhóm khoa học gia đã thí nghiệm bằng một loài vi khuẩn không gây bệnh mang tên Bacillus subtilis và phát hiện khi bị đặt vào điều kiện khắc nghiệt, những vi khuẩn tinh khôn này không ngủ mà tạm hóa thành "thây ma".
Các bước nghiên cứu cho thấy nhiều loài vi khuẩn khác, bao gồm các vi khuẩn gây bệnh cho con người cũng có thể hóa "thây ma" theo cách tương tự và nhờ đó đề kháng lại các kháng sinh.
Tất nhiên, việc lạm dụng kháng sinh, dùng không đúng liều cũng góp phần làm cho các vi khuẩn ngày càng khôn khéo và có khả năng kháng thuốc nguy hiểm hơn.
Giáo sư Leendert Hamoen, một trong các tác giả, cho biết dù phát hiện nghe có vẻ đáng sợ, nhưng việc hiểu rõ cơ chế này là một tin vui vì từ đó các nhà khoa học có thể tìm ra cách triệt để hơn để giải quyết một số dạng kháng thuốc.
Kháng kháng sinh vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách 10 vấn đề đe dọa sức khỏe toàn cầu đáng lo ngại nhất hiện nay. Các số liệu ước tính rằng nếu để tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2050, các siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ giết chết đến 10 triệu người mỗi năm.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Theo NLD