Sử dụng các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em lười vận động, dẫn đến thừa cân, béo phì, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của trẻ sau này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các khuyến nghị về thời lượng hoạt động thể chất của trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử để trẻ phát triển khỏe mạnh. Các bậc phụ huynh nên cấm hoàn toàn trẻ dưới 2 tuổi xem TV hoặc chơi điện thoại thông minh, máy tính bảng. Thay vào đó, họ nên thường xuyên đọc và kể chuyện cho con nghe. Những trẻ lớn hơn, từ 2 đến 5 tuổi, có thể tiếp xúc với màn hình điện tử nhưng không quá một giờ mỗi ngày. Trẻ từ 1 – 4 tuổi phải dành ít nhất ba giờ cho nhiều hoạt động thể chất trong suốt cả ngày.
Các chỉ dẫn của WHO khá tương đồng với lời khuyên của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ về vấn đề này. Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ dưới 18 tháng tuổi nên tránh tiếp xúc với màn hình điện tử. Ngoài ra, phụ huynh của những trẻ trên 2 tuổi cần biết lựa chọn “chương trình chất lượng cao” mang tính giáo dục, và cha mẹ có thể xem cùng con để giúp trẻ hiểu những gì chúng xem.
Ngày nay, các thiết bị điện tử [điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV,...] đang trở thành vật hữu dụng để bố mẹ dỗ con ăn, làm cho chúng bớt nghịch ngợm. Trên thực tế, thời gian trẻ nhỏ tiếp xúc với màn hình kỹ thuật số đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua.
Nhiều phụ huynh tin rằng, việc cho trẻ tiếp cận sớm các thiết bị thông minh giúp chúng nhanh hiểu biết. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hành động trên của cha mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển tối ưu của trẻ về mặt cảm xúc, tâm lý và sức khỏe tinh thần. Cụ thể, những trẻ nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử nhiều hơn 7 giờ một ngày sẽ có vỏ não mỏng hơn mức bình thường. Võ não là lớp ngoài cùng của não, chịu trách nhiệm xử lý thông tin từ thế giới vật lý. Nó đóng vai trò quan trọng đối với những chức năng nhận thức như ngôn ngữ, trí nhớ, ý thức.
Trong một số nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học phát hiện ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị kỹ thuật số khác cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực của người dùng và làm tăng nguy cơ mù lòa.
Dimitri Christakis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle (Mỹ), khẳng định tương tác giữa cha mẹ và con cái đang dần bị thay thế bởi công nghệ. “Trẻ nhỏ cần sự chăm sóc của bố mẹ, không phải các ứng dụng”, Christakis nói.
Theo WHO, việc không đáp ứng các khuyến nghị về hoạt động thể chất hiện nay là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới ở tất cả các nhóm tuổi. Số liệu thống kê chỉ ra rằng, có tới 80% trẻ em và 23% người lớn không hoạt động thể chất thường xuyên. Thói quen ít vận động đang thúc đẩy sự gia tăng số lượng người thừa cân hoặc béo phì.
“Trong nhóm dưới 5 tuổi, hiện nay có 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị thừa cân. Trong đó 50% là ở châu Phi và khu vực Đông Nam Á” Fiona Bull, chuyên gia của WHO, cho biết.
Quốc Lê (Theo Tech Times)