Các nhà khoa học Anh vừa khám phá ra nguyên nhân bất ngờ dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính: hệ miễn dịch của chính bệnh nhân.
Bài công bố mới trên tạp chí Psychnoneuroendocrinology của nhóm nghiên cứu đến từ King’s College London (trường thành viên của Đại học London, Anh) đã xác định được một nguyên nhân đáng chú ý có thể khởi phát chuỗi ngày bỗng dưng chìm vào trạng thái mệt mỏi, lúc nào cũng buồn ngủ, uể oải của một người, do một hội chứng kỳ lạ mang tên "hội chứng mệt mỏi mãn tính".
Hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể do chính hệ miễn dịch quá mạnh mẽ kích hoạt - ảnh minh họa từ Internet
Hội chứng mệt mỏi mãn tính biểu hiện bằng cảm giác mệt mỏi, uể oải dai dẳng, kiệt sức sau khi làm điều gì đó gắng sức, luôn buồn ngủ nhưng ngủ không ngon, mỏi cơ, đau khớp, đau đầu, đau họng, suy giảm trí nhớ… kéo dài trên 6 tháng. Đây thực sự là bệnh, tuy nhiên dễ bị bỏ qua vì nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là sức khỏe kém, bị mệt nhưng mọi nỗ lực cải thiện thông thường thường ít hoặc không có hiệu quả. Bệnh nhân có khi còn bị người xung quanh cho là lười biếng vì lúc nào cũng than mệt.
Chỉ riêng tại Anh đã có 250.000 bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. 1/4 số bệnh nhân này thậm chí phải ở nhà toàn thời gian và cần có người chăm sóc, cho dù cơn mệt của họ có vẻ không có nguyên nhân rõ ràng.
Trong nghiên cứu mới này, nhóm tác giả phát hiện ra rằng chính hệ miễn dịch có thể là thủ phạm khởi phát hội chứng. Chúng ta thường mong muốn một hệ miễn dịch mạnh mẽ để chống lại bệnh tật nhưng một hệ miễn dịch quá hiếu động sẽ gây phiền phức.
Tiến sĩ Alice Russell, đến từ Viện Tâm thần học, Tâm lý học & Khoa học thần kinh (IoPPN) thuộc King’s College London cho biết họ bắt đầu chú ý đến hệ miễn dịch khi phát hiện một số bệnh nhân đang dùng thuốc tăng cường hệ miễn dịch để chống lại viêm gan siêu vi C có biểu hiện của hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Các bước nghiên cứu cho thấy phản ứng dây chuyền gây ra mệt mỏi mãn tính thậm chí có thể kích hoạt bởi một nhiễm trùng đơn giản, khiến hệ miễn dịch tăng cường năng suất hoạt động để rồi không tìm được cách ổn định trở lại. Hệ miễn dịch khi đó sẽ sản xuất ra các hóa chất ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, đặc biệt là cơ bắp và não.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện mới này có thể mở đường cho một phương pháp điều trị trúng đích hơn vì hội chứng mệt mỏi mãn tính trước giờ rất khó trị và nhiều người thậm chí đã dần nặng đến mức mất khả năng lao động và thậm chí không thể tự ăn uống.
Theo Nld