Phổi và đường hô hấp là hai bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi một người nào đó hút thuốc lá. Nhưng tin tốt là sau khi họ bỏ thuốc, phổi có thể tự hồi phục ở một mức độ nhất định, theo tiến sĩ Norman Edelman, cố vấn khoa học cao cấp của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ.
Ngay sau khi một người hít phải các hóa chất trong khói thuốc, lớp màng phổi bị viêm và kích ứng. Vài giờ sau khi hút thuốc, chuyển động của những sợi lông nhỏ trong phổi gọi là lông mao chậm dần. Điều này sẽ khiến chúng tạm thời bị tê liệt và khả năng làm sạch chất nhầy, bụi bẩn khỏi đường hô hấp giảm xuống.
Một sự thay đổi khác trong phổi của những người hút thuốc là lượng chất nhầy ngày càng nhiều hơn. Bởi vì tốc độ loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi của lông mao không nhanh bằng quá trình hình thành chất nhầy. Do đó, chất nhầy sẽ tích tụ dần làm tắc nghẽn đường hô hấp, gây ho và viêm phế quản mãn tính.
Nếu một người ngừng hút thuốc, tình trạng viêm ngắn hạn của phổi sẽ dần được cải thiện, do lớp màng phổi không phải tiếp xúc với các chất kích thích từ khói thuốc. “Nói cách khác, các vết sưng tấy trên bề mặt phổi và đường hô hấp giảm dần, tế bào phổi cũng tiết ra ít chất nhầy hơn. Các lông mao mới phát triển có khả năng làm sạch chất nhầy tốt hơn”, Edelman cho biết.
Vài ngày hoặc vài tuần sau khi một người bỏ thuốc, họ sẽ thở dễ dàng và ít bị hụt hơi khi tập thể dục. Tuy điều này chưa có lý giải rõ ràng, nhưng một phần có thể bắt nguồn từ việc loại bỏ khí carbon monoxide (CO) ra khỏi máu. “Khí CO trong khói thuốc lá cản trở sự vận chuyển khí oxy, bởi vì nó liên kết với các tế bào hồng cầu thay cho oxy. Do đó, người hút thuốc thường khó thở hơn người bình thường”, Edelman nói.
Điều kỳ lạ là những người nghiện thuốc lá sẽ ho nhiều hơn sau vài tuần bỏ thuốc. Nhưng đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy lông mao của phổi bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại. Chúng đẩy chất nhầy dư thừa từ phổi vào trong đường hô hấp, hướng về phía cổ họng và bị đẩy ra ngoài nhờ hiện tượng ho.
Một lợi ích sức khỏe khác của việc cai thuốc là làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Thời gian bỏ thuốc càng lâu thì khả năng bị ung thư phổi càng thấp, mặc dù nguy cơ này không bao giờ được loại bỏ hoàn toàn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ mắc ung thư của người bỏ thuốc sau 10 năm chỉ bằng một nửa so với người hút thuốc.
Cơ thể rất giỏi trong việc sửa chữa một số tổn thương mô và tế bào phổi do hút thuốc, nhưng không phải tất cả các tổn thương đều có thể phục hồi. Mức độ suy giảm chức năng của phổi liên quan mật thiết đến số lượng bao thuốc một người hút hằng ngày và số năm họ bắt đầu thói quen có hại này.
“Bỏ hút thuốc không bao giờ là quá muộn. Ở bất kỳ độ tuổi nào, bỏ thuốc lá sẽ giúp con người hô hấp tốt hơn và kéo dài tuổi thọ của mình”, Edelman nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thói quen hút thuốc. Có ít nhất 17 loại ung thư là do thuốc lá gây ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này sẽ có hơn một tỷ người chết vì nguyên nhân liên quan đến khói thuốc.
Quốc Hùng (Theo Live Science)